Mai Kiều Liên, nữ “thuyền trưởng” quật cường

0
1065

36 năm gắn bó với Vinamilk, hơn 20 năm ở cương vị người đứng đầu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á – Thái Bình dương từ năm 2010. Và đang hiện thực hóa tham vọng 3 tỷ USD, nằm trong top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.

Nhớ lời cha dặn

Phong cách đặc biệt là ấn tượng tốt đẹp đầu tiên mọi người đều cảm nhận được về nữ doanh nhân Mai Kiều Liên. Quyết đoán, linh hoạt xử lý tình huống theo kiểu “kỹ trị” hơn thiên hướng “nhân trị” của châu Á đã làm cho bà “nổi” và trẻ hơn so với tuổi tác của mình.

Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám Đốc Vinamilk – Mai Kiều Liên

Khi xếp bà Mai Kiều Liên vào vị trí “quyền lực”, Tạp chí Forbes dựa vào tổng hợp nhiều yếu tố như ý tưởng, năng lực, khả năng lãnh đạo, đặc biệt quy mô doanh nghiệp và có doanh thu ít nhất hàng trăm triệu USD/ năm. Forbes thậm chí đã dành những lời mô tả bà Liên là người “đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận cao nhất mà còn là được kính trọng trên khắp châu Á”.

Bà Mai Kiều Liên quê gốc ở Hậu Giang nhưng sinh ra ở Pháp. Người ta thường có câu, đằng sau mỗi người con thành đạt bao giờ cũng có bóng dáng một người mẹ vĩ đại, nhưng với bà Liên ngoài người mẹ đằng sau bà còn có một người cha giống như một người thầy lớn – có ảnh hưởng sâu sắc tới những bước đi của cuộc đời bà sau này. Cha bà, một người yêu con và cũng có lẽ là một người yêu mọi trẻ em Việt Nam vì ông là bác sĩ. Con đường để bà bước vào ngành sản xuất và kinh doanh sữa, rồi từ đó sống chết với nghề này bắt đầu từ những trăn trở của cha. Cha bà luôn quan tâm đến tầm vóc và trí tuệ Việt, điều ông đau đáu nhất là sự suy dinh dưỡng và thấp còi của trẻ em Việt Nam sau chiến tranh.

Lớn lên, có điều kiện đi đây đi đó, bà càng thấy thương những đứa trẻ. Trong khi các nước phát triển ở khu vực, mà nhìn rộng ra là các nước bên trời Tây thì sữa là một thực phẩm phổ thông dùng hàng ngày. Ấy thế mà tại sao người Việt, có thế mạnh về chăn nuôi mà sữa vẫn là những thứ xa xỉ. Bà đau xót hơn nữa là sữa dùng để bổ dưỡng sức khỏe hàng ngày sao người Việt mình chỉ có điều kiện dùng cho lúc ốm đau. Cân đường, hộp sữa dùng để thăm nhau lúc ốm đã làm bà thấy xót lòng.

17 tuổi bà đã được nhà nước cử sang Nga học và bà đã chọn chuyên ngành chế biến sữa. Năm 1976, bà đầu quân cho Xí nghiệp Liên hiệp sữa cà phê Miền Nam (tiền thân của Cty Cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk bây giờ). Vừa làm vừa học, năm 1983, sau khi kinh qua khoa quản lý kinh tế của trường Đại học Kinh tế Leningrad (Nga), năm 1984 bà được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc Cty sữa Việt Nam rồi và giữ vị trí Tổng giám đốc từ năm 1992 đến nay.

Bà Mai Kiều Liên được Forbes mô tả là người “đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận cao nhất mà còn là được kính trọng trên khắp châu Á”. 

Lúc bà nhậm chức, khó khăn đặt ra là ngành sữa thế giới đã bão hòa, Việt Nam đang trở thành thị trường đầy tiềm năng của các công ty sữa nước ngoài. Muốn phát triển, phải tìm cho mình một hướng đi riêng. Từ lời cha, những trăn trở của cá nhân, xác định người Việt là mục đích phục vụ chính, bà cùng đồng nghiệp lăn xả vào nghiên cứu tâm lý và thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Với chiến lược làm sản phẩm cho người Việt, đạt sản lượng để lấy doanh thu bà triển khai các mặt hàng, khống chế đầu vào, đầu ra, tiết kiệm, hạ thấp giá thành để chiếm lĩnh thị trường.

Bằng việc triển khai hàng chục nhà máy, rải khắp toàn quốc, thu mua sản lượng sữa bò do dân làm ra, các nhà máy của bà đồng loạt nhả khói và đều đạt 60% rồi 100% sản lượng chỉ sau 2 – 3 năm đi vào hoạt động. Cùng với đó, hơn 200.000 điểm bán lẻ cũng dần được xây dựng. Với sự quan tâm đến người Việt, đầu tiên là giá thành, thấp hơn mà chất lượng ngang bằng với sản phẩm ngoại nhập nên các sản phẩm sữa của Vinamilk dần chiếm lĩnh thị trường. Năm 2011 doanh thu của Vinamilk đã đạt hơn 22.000 tỷ đồng (trong đó 3000 tỷ đồng là doanh số xuất khẩu, tương đương 140 triệu USD) và 9 tháng đầu năm 2012 Vinamilk tiếp tục ghi dấu ấn ngoạn mục trên thị trường trong và ngoài nước với tổng doanh thu đạt 20.098 tỷ đồng, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch cả năm 2012. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.001 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ và đạt 89% kế hoạch năm 2012. Nộp ngân sách nhà nước 2.200 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Dự kiến đến hết năm 2012, Vinamilk sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 26.500 tỷ đồng.

Bình chọn bà Mai Kiều Liên là 1 trong 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á, Tạp chí Forbes viết: “Các nhà quảng cáo sữa lâu nay vẫn ca ngợi các đặc tính dinh dưỡng của sữa và nói rằng ai cũng tìm thấy thứ mình cần với sữa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, họ tìm thấy một con át chủ bài: đó là Mai Kiều Liên”. Và không tiếc lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam”

Giành lại thị phần sữa từ những sản phẩm ngoại: Mang tinh thần của Bạch Thái Bưởi

Với “người phụ nữ quyền lực” Mai Kiều Liên, câu nói “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một khẩu hiệu suông. Bà biến nó thành hành động. Vinamilk ngoài việc có giá thành hợp lý, đa dạng hóa về sản phẩm để phục vụ người Việt, còn là người “đỡ đầu” đầu ra cho nông dân. Hiện nay, Vinamilk là một trong những Công ty thu mua tới hơn 60% sản lượng sữa của nông dân, với giá cao hơn so với các đơn vị khác. 9 tháng đầu năm 2012 Vinamilk thu mua 129 triệu lít sữa bò tươi nguyên liệu của bà con nông dân và từ 5 trang trại của Vinamilk trị giá 1.300 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Để đảm bảo đầu ra cho nông dân, khuyến khích nông dân chăn nuôi bò, bà đã liên kết với hơn 5000 hộ nông dân. Ngoài đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để có sản phẩm cao nhất, tốt nhất về chất lượng bà còn cho đầu tư phát triển 5 trang trại với khoảng 8000 con bò sữa (bò nhập từ nước ngoài, trong đó có 50% bò vắt sữa), cho 70 tấn/ngày cộng với 61.000 con bò sữa của nông dân với 430 tấn sữa /ngày cũng được Vinamilk đảm bảo đầu ra rất ổn định.

Không chỉ phát triển trong nước, để vươn tầm và khẳng định vị thế của người Việt với thế giới, sản phẩm sữa của Vinamikl đã vươn ra 16 nước trên thế giới trong đó có cả châu Phi và vùng Trung Đông. Nhà máy chế biến bột sữa ở New Zealand là dự án đầu tiên Vinamilk đầu tư ra nước ngoài, đặt tại Đảo Bắc của New Zealand. Nhà máy sẽ thu mua sữa tươi từ các nông dân tại vùng Taupo và sản xuất các sản phẩm sữa chất lượng cao bán ra thị trường quốc tế.

Từ khan hiếm, thiếu thốn, đến nay thương hiệu sữa Vinamilk đã đủ cung cấp cho thị trường trong nước, dư thừa để xuất khẩu ra nước ngoài. Không chỉ nâng chất lượng lên ngang bằng nhưng giá thành chỉ bằng một nửa với sữa ngoại, Vinamilk còn luôn luôn quan tâm đến các hoạt động hướng về cộng đồng. Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” ra đời từ năm 2008 đã hướng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước bằng hành động tưởng chừng như đơn giản nhưng lại hết sức thiết thực, trao tận tay các em những ly sữa bổ dưỡng nhằm góp phần giúp các em có được cơ hội phát triển toàn diện hơn về thể chất và trí tuệ để có một tương lai tươi sáng hơn.

Đến nay, Quỹ đã trao cho hơn 273.000 trẻ em gần 19 triệu ly sữa bổ dưỡng từ chương trình, với tổng trị giá khoảng 69 tỷ đồng.

Cùng đó, Vinamilk còn có các chương trình như Quỹ học bổng Vinamilk Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam, chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”; tài trợ hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại nghĩa trang liệt sỹ Hàng Dương tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu…

Trong bước đi vững chắc và bài bản của Vinamilk – một thương hiệu Việt – niềm tự hào của người Việt trong xu thế hội nhập toàn cầu, bà Mai Kiều Liên là một thuyền trưởng quật cường – người truyền đạt cho nhân viên một tinh thần rất Bạch Thái Bưởi: “Phải lấy thêm một ít thị phần” hằng năm từ các tập đoàn sữa đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam bằng nhiều cách làm táo bạo – và một chiến lược đầy thông minh, quả cảm.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here