Lê Trung Thành – Người “lội ngược dòng”

0
1593

Theo tôi điều mà người ta chú ý ở anh có lẻ vì trong anh chứa đựng cùng lúc nhiều thái cực trái ngược. Người mới tiếp xúc với anh sẽ lập tức nhân thấy ở anh sự nho nhã, lịch sự, thêm chút khiêm tốn và một ít khiếu hài hước bẩm sinh, biết anh nhiều sẽ thấy bên dưới vẻ bề ngoài “hiền dịu” đó đó là một sức mạnh dữ dội của một con người tuổi trẻ, mạnh mẽ giàu năng lực, vươn lên từ nỗ lực của chính bản thân, chẳng có ai để nương tựa, không thân thế, chẳng tài sản, (Thành chỉ sống với mẹ từ nhỏ) để trở thành một chuyên gia marketing bậc thầy một nhà quản trị kinh doanh giàu đảm lược và sắc bén, với một địa vị lãnh đạo cao nhất tại một công ty hàng trăm tỉ. 

Sau đây chúng tôi xin đăng lại để giới thiệu với các bạn bài viết của phóng viên Vân Anh viết cho tờ Thanh Niên cuối tuần về Anh Lê Trung Thành. Bài viết có nhan đề: Người “lội ngược dòng”

Từng xuất hiện trên nhiều tờ báo như một trong những người làm thuê số 1 VN khi ngồi vào vị trí Phó tổng giám đốc Pepsi VN. Đột ngột, anh quyết định “lội ngược dòng” khi đầu quân về một công ty nội địa với nhiều thử thách. Anh là Lê Trung Thành – Tổng giám đốc Công ty Nutifood.

“NGƯỢC DÒNG” LÀ XU THẾ TẤT YẾU

Gặp Lê Trung Thành trong những ngày giữa tháng 5 bận rộn, anh cho biết, quyết định “lội ngược dòng” ấy có vẻ bất ngờ nhưng nếu cân nhắc kỹ thì đây là một điều tất yếu. Anh tâm sự rằng, bản thân đã suy nghĩ về quyết định này trong thời gian khá dài chứ chẳng phải ngày một ngày hai: “Những năm 90 khi đất nước mở cửa đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài kèm theo công nghệ và tri thức, những người trẻ vừa tốt nghiệp như tôi là lớp người đầu tiên tiếp nhận làn gió đổi mới ấy. Tôi còn nhớ đã từ chối một chỗ làm biên chế Nhà nước có được sự gửi gắm của gia đình để đi theo con đường của mình. Với tôi, đó là quyết định sáng suốt vì khi đầu quân cho những công ty lớn nước ngoài, tôi được học cách làm việc, suy nghĩ và hành xử chuyên nghiệp cũng như được đào tạo kỹ lưỡng và bài bản. Môi trường làm việc chuyên nghiệp ấy đã tạo điều kiện cho tôi trưởng thành và quan trọng hơn, nó mang lại niềm tin cho lớp trẻ không quen biết, không tiền bạc và đi lên bằng thực lực cũa mình. 

“Cho đến giờ, tôi vẫn cho nó là môi trường tốt để các bạn trẻ sau này rèn luyện. Riêng thế hệ trưởng thành như tôi, có người vẫn cảm thấy hạnh phúc khi tiếp tục làm việc trong môi trường đó, nhưng cũng có những người như mình luôn trăn trở và nghĩ tới tương lai xa hơn: cuộc sống vốn đầy màu sắc, đâu nhất thiết mình cứ phải gắn mãi với môi trường “yên ấm” ở các công ty nước ngoài mà thực sự muốn trải nghiệm nhiều hơn nữa, muốn làm gì đó cho các công ty VN và muốn những đóng góp của mình được đánh giá xứng đáng. Chẳng lẽ những người làm thuê mãi chỉ là những người trưởng thành từ các công ty nước ngoài? Đã đến lúc phải có những người “tiên phong” để thu hút, tạo nên môi trường cho những người giỏi khác cùng tập hợp lại, tạo nên một “làn sóng mới” đóng góp cho sự phát triển của đất nước như đã từng xảy ra ở Trung Quốc hay Ấn Độ. Và tôi mong muốn là một trong những người “tiên phong” ấy. Có thể nhiều người cho quyết định này đột ngột, tuy có chút rủi ro nhưng thật ra đúng với hướng tôi đã chọn”. 

Anh cũng nhận định, nguồn nhân lục cao cấp người Việt tại các công ty nước ngoài hiện rất nhiều và đang chờ đợi có được cơ hội thể hiện năng lực trong những vai trò chủ động ở các công ty trong nước. Do đó, trong 6 tháng gần đây, khi các công ty Việt Nam đang biết “vốn hóa” khả năng của người lao động thông qua nhiều chính sách ưu đãi về lương, cổ phần…, nhiều người, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, quản trị, đã mạnh dạn bước những bước đi vừa mang tính rủi ro nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội cùng thu nhập xứng đáng, có thể khẳng định được bản thân và làm giàu trên chính khả năng cũa mình. 

Điều này lý giải việc anh đợi đúng “điểm rơi” để đưa ra quyết định “trở về” cùng Nutifood, dù lời mời đưa ra từ năm 2004. “Đã có nhiều người hỏi: Rốt cuộc anh sẽ tiếp tục làm thuê hay sẽ làm chủ?”. Với một số việc tôi làm thuê, nhưng một số việc khác tôi lại làm chủ. Nhưng thực ra làm chủ hay làm thuê không quan trọng mà điều cốt yếu nhất là làm chủ bản thân mình! Thật lòng thì đầu quân cho các công ty lớn cũng xem như bước khởi nghiệp khi thời buổi này đòi hỏi tốc độ, nếu chỉ làm nhỏ nhỏ, tự mày mò thì không tạo nên sức mạnh và sự đột biến. Nên dựa trên cái nền sẵn có, cơ sở tương đối để tăng giá trị nó lên và tận dụng cơ hội phát triển” – anh bộc bạch. 

SỰ RA ĐI TRỌN VẸN

Hỏi anh có tiếc khi rời khỏi Pepsi Việt Nam hay không, Lê Trung Thành chậm rãi đáp: “Với tôi đó là sự ra đi trọn vẹn, không day dứt. Ra đi nhưng vẫn cảm thấy yêu mến công việc và môi trường mình từng gắn bó”. Anh cũng cảm thấy may mắn khi xây đắp và duy trì được mối quan hệ với đồng nghiệp và đặc biệt với người “sếp” cũ ở Pepsi Việt Nam – một mối quan hệ đầy cơ duyên và quý giá trong cuộc đời: “Trước đây, quyết định chuyển từ Unilever sang Pepsi Việt Nam một phần cũng do bị “chinh phục” bởi vị “sếp” của công ty mới – một đối tác, người thầy, người anh đã giúp tôi trưởng thành rất nhiều trong công việc lẫn cuộc sống”.

Với anh, thời gian gắn bó với Pepsi VN đã mang đến nhiều bài học tuyệt vời, có cả thành công lẫn thất bại. Đó là những ngày đầu khá “khủng hoảng” khi ngồi vào ghế phó tổng giám đốc của một công ty nước ngoài “tầm cỡ” dù đã trải qua 9 năm “chinh chiến” ở Unilever: “Phải công nhận 6 tháng đầu là cú sốc tưởng như không vượt qua nổi khi bản thân dao động nhiều vì mọi thứ đều mới, lại nắm giữ vị trí then chốt mà mọi người kỳ vọng sẽ mang đến hiệu quả ngay tức thì nên rất áp lực. Tôi phải “vừa chạy vừa học” để theo kịp guồng máy chứ không được phép dừng lại dù mọi thứ trước mắt hoàn toàn mời mẻ”. 

Nhưng rồi chính môi trường ấy đã tạo cho anh bài học lớn: Không nên chần chừ mà phải đưa ra được những quyết định nhanh chóng mang lại hiệu quả tức thì; phải có những chiến lược đúng để thực hiện quyết liệt, chứng minh uy tín của mình. Còn nhớ anh đã cùng đồng nghiệp vực dậy nhãn Sting đang gần “khai tử” thành nhãn hiệu nước tăng lực số một hiện nay hay tạo sự đột biến cho nhãn hiệu Aquafina khi làm cho nhiều người nghĩ về nước tinh khiết một cách đầy cảm xúc và độc đáo bằng chiến dịch “Aquafina – vị ngọt tinh khiết”, hay việc tung thành công chuỗi sản phẩm snack Poca của Pepsi. Song cũng có những lúc anh “nếm mùi” trả giá vì ra quyết định sai trong gang tấc – đưa hương trái cây vào nước tinh khiết. Điều quan trọng là từ sai lầm đó anh học hỏi để chuyển “bại thành thắng” khi chuyển ý tưởng sản phẩm đó sang nhãn hàng khác là 7Up H2Oh và đã thành công. Những nỗ lực ấy cùng cả một tập thể cuối cùng cũng được bù đắp xứng đáng khi doanh số Pepsi tăng gấp 3 trong ba năm và Pepsi VN cũng ba năm liên tiếp đoạt giải Toàn cầu về tăng trưởng. 

BÀI TOÁN CON NGƯỜI

“Môi trường ở các công ty Việt Nam có thể chưa hoàn hảo và chưa như kỳ vọng của những người “trở về” nên có người sẽ thích nghi nhưng cũng có người không chịu nổi phải ra đi. Điều này cho thấy sự hội nhập nào cũng cần có thời gian để bộ máy cho thể đan xen vào nhau và cùng vận hành. Dù thời gian ở Nutifood chưa bao nhiêu nhưng tôi và mọi người đều cảm thấy mọi việc đang thay đổi từ từ và đang tốt dần lên. Có nhiều cách để làm môi trường thay đổi nhưng điều quan trọng là niềm tin và sự trân trọng – mà những cái đó thì không thể diễn ra nhanh chóng. Nếu mình thật lòng thì cần kiên trì – khi mọi người tin và cùng chia sẻ mục đích, mọi thứ có thể giải quyết bằng tiếng nói chung, kết quả chắc chắn sẽ đến. Với tôi, nguồn vốn con người trong công ty rất quan trọng và điều then chốt là dung hòa được quyền lợi của mọi người để cùng nhìn về một hướng. Trước mắt vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua nhưng tương lai và niềm tin của hơn 500 con người là động lực để mình cố gắng. Với sự đồng lòng của mọi người, con thuyền sẽ đến đích. Tôi tin như vậy!” – tân Tổng giám đốc Nutifood 36 tuổi chia sẻ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here