Kỳ 2: “Tiểu gia” trong cơn sóng lớn

0
670

Trong khi các “đại gia” trấn giữ khung giờ đẹp, tung quảng cáo trên tất cả các kênh, quyết “không cho khán giả thoát” thì các “tiểu gia” đành phải ngậm ngùi đứng ở góc xa.

Nhận những khung giờ kém đẹp, thiếu kinh phí quảng bá, mua những format (định dạng) không đình đám và dĩ nhiên từ đó chỉ số rating (chỉ số người xem truyền hình) của các chương trình “tiểu gia” cũng thấp theo. Và cái vòng luẩn quẩn lại bắt đầu: rating thấp thì không có quảng cáo, không có quảng cáo thì không có thêm tiền đầu tư, không có thêm tiền đầu tư thì khó khăn trong việc nâng cao chất lượng và mở rộng sản xuất, không có tiền “mua” giờ đẹp, mà giờ không đẹp thì rating sẽ khó cao…

Nghịch lý từ khung giờ kém đẹp

Có một thực tế khá phũ phàng là nhiều chương trình có ý nghĩa giáo dục, nhân văn nhưng không phải là chương trình đình đám mua từ Âu – Mỹ, không có được sóng giờ vàng, phát trên “kênh đẹp” thì rất dễ bị chìm lấp và ít được chú ý. Tất nhiên, cũng là một thực tế, không phải format nào “tiểu gia” mua được cũng có tính đối đầu quyết liệt để gây chú ý mạnh mẽ từ khán giả.

Diễn viên Lan Phương trong Bạn đường hợp ý – chương trình truyền hình thực tế giúp người chơi, trong đó một nửa là khách nước ngoài, khám phá văn hóa, con người VN và trải nghiệm những thử thách trong cuộc đua tài với đội khác

Nhóm những chương trình phát sóng vào khung giờ “khó xem” trên cả Ðài truyền hình TP.HCM lẫn Ðài truyền hình Việt Nam thường gặp cảnh khổ là nhiều lúc khán giả muốn xem cũng ngại ngần. Khán giả Nguyễn Vũ ở đường Bùi Minh Trực, quận 8 (TP.HCM) chia sẻ: “Cả nhà tôi thích xem chương trình Bạn đường hợp ý (mua bản quyền từ Nhật – PV) nhưng phát lúc 22 giờ thì mẹ tôi già cả cần ngủ sớm, tôi với vợ cũng cần ngủ để mai đi làm từ sáng sớm. Thế là chọn những chương trình khác phát sớm hơn để xem vậy”.

Trong khi đó, Lữ khách 24 giờ (cũng mua bản quyền từ Nhật) – một chương trình khá hấp dẫn vì có các nghệ sĩ trải nghiệm thực tế cuộc sống khác biệt với họ mỗi ngày – lại phát lúc 17g30 chủ nhật – một khung giờ không dễ xem với nhiều khán giả.

Không chỉ lý do “khung giờ kém đẹp”, các chương trình truyền hình thực tế do “tiểu gia” sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong quảng bá thông tin khi “đua tần suất xuất hiện” với chương trình của các “đại gia” nhiều sức người sức của sẵn sàng “thập diện mai phục” khán giả mọi nơi.

Thử nhìn qua cách làm của “đại gia” S khi tài trợ cho The Voice Việt Nam: ngoài việc quảng bá trên sóng, trên báo in, đại gia này còn quảng bá trên Internet bằng cách thuê những công ty quảng cáo chuyên về tương tác trên môi trường mạng cứ mỗi tuần lại đưa lên những status (trạng thái), những bình luận trên các diễn đàn, mạng xã hội đông độc giả để thu hút dư luận. Từ đó, lượng người xem tăng mạnh và duy trì độ ổn định của chỉ số khán giả.

Các nhà tài trợ cho những chương trình của các “tiểu gia” thường ít khi chú trọng hoặc không có đủ kinh phí để có thể quảng bá đồng loạt như thế nên việc “kém tiếng” hơn là tất yếu.

Nhận những khung giờ kém đẹp, thiếu kinh phí quảng bá, mua những format (định dạng) không đình đám và dĩ nhiên từ đó chỉ số rating (chỉ số người xem truyền hình) của các chương trình “tiểu gia” cũng thấp theo, khó chống lại các chương trình đình đám của “đại gia”.

Yếu tố thứ ba khiến chương trình dễ lép vế chính là việc thiếu vắng các ngôi sao và xìcăngđan. Bên cạnh đó, những format chương trình đôi khi kém đối đầu, thiếu kịch tính hấp dẫn cũng là một điểm yếu của các chương trình dạng này.

Ðó là trường hợp của hai chương trình đáng xem khác do VN viết format: Sống khác – giúp bạn trẻ trải nghiệm một cuộc sống khác để trân trọng hơn những gì mình đang có (VTV6 sản xuất), Không thể không đẹp – gieo niềm tin và hi vọng cho những phụ nữ bình thường (Fansipan TV sản xuất)…

Tiếc cho Gia đình tài tử

Những chương trình đã kém tiếng hơn thì khán giả sẽ ít biết hơn và số người xem ít hơn, dù nội dung chương trình tốt. Như Gia đình tài tử(phát sóng lúc 19g chủ nhật trên kênh HTV7) là một ví dụ cho điều này. Ra đời được ba năm, Gia đình tài tử sớm trở thành món ăn tinh thần yêu thích của các gia đình nhiều thế hệ vì ý nghĩa nhân văn của chương trình: cả đại gia đình xúm xít cùng nhau tập bài hát, cùng dự thi, cùng vui cùng buồn, gác lại mưu sinh một bên để hòa vào không khí sum vầy, chia sẻ. Thế nhưng, đến nay chương trình vẫn chưa thể bật lên được để tạo sóng lớn ở khán giả. Giờ phát trùng với giờ xem thời sự lẫn mức độ quảng bá của đơn vị sản xuất và nhãn hàng tài trợ đều có thể là một phần lý do.

Hết thời hữu xạ tự nhiên hương?

Trong “sóng lớn” áp đảo về truyền thông, quảng cáo để gây sự chú ý của khán giả từ các chương trình truyền hình thực tế lớn, những chương trình truyền hình thực tế nhỉnh hơn một chút về tiền bạc và có khung giờ kém đẹp vẫn cố gắng kiên nhẫn tìm kiếm và giữ chân khán giả của riêng mình.

Bà Bảo Minh – đại diện Công ty MCV, đơn vị sản xuất Con đã lớn khôn, Lữ khách 24 giờ, Gia đình tài tử… – cho biết: “Tuy không đình đám và khó lòng tạo dư luận ầm ĩ như chương trình của các “đại gia” nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào chất lượng và ý nghĩa nhân văn của các chương trình mình thực hiện. Chúng tôi cũng biết thời khó khăn, các doanh nghiệp chỉ muốn thấy hiệu quả ngay tức khắc nên tôn trọng điều đó.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn chờ đợi các nhà tài trợ hiểu được ý nghĩa, giá trị của chương trình, cộng hưởng được với tâm huyết của những người làm chương trình sạch và đi đường dài để cùng tạo ra các thương hiệu có giá trị bền vững. Sắp tới chúng tôi sẽ cố gắng đẩy mạnh công tác quảng bá vì đã hết thời hữu xạ tự nhiên hương rồi”.

Những người thực hiện các chương trình truyền hình thực tế giàu ý nghĩa giáo dục ở kênh VTV6 cũng kiên trì đi theo con đường của mình. Biên tập viên Thế Hùng (phụ trách nội dung của Sống khác) cho biết: “Mỗi khán giả xem Sống khác, đặc biệt là khán giả trẻ, đều có ấn tượng tốt còn các phụ huynh thì giới thiệu cho con mình xem. Chúng tôi như người đi gieo hạt mầm sống đẹp trong giới trẻ và vì thế phải luôn kiên nhẫn”.

Một chương trình rất có ý nghĩa với phụ nữ là Không thể không đẹp cũng ít được khán giả biết đến vì phát sóng vào khung giờ chiều (16g thứ bảy, VTV3). Edmund Chan – đạo diễn chương trình – bày tỏ: “Chúng tôi biết rằng không dễ gì gây chú ý kiểu ồn ào, ồ ạt với đám đông khán giả vì Không thể không đẹp không có ngôi sao, cũng như có một khung giờ khá bất lợi. Nhưng chúng tôi vẫn tự tin về đối tượng khán giả của mình. Hiện nay, một số đơn vị đặt vấn đề với những người làm chương trình để chúng tôi tạo ra một phiên bản thực tế khác: áp dụng tại từng công ty nhằm giúp phát triển nữ giới ở các công ty đó. Chúng tôi tin vào con đường mình đang đi và các giá trị mình đang tạo dựng”.

Làm thế nào để khán giả xem chương trình nhiều hơn là câu hỏi đau đầu của tất cả người làm chương trình và đặc biệt với các “tiểu gia”, câu hỏi đó còn gay gắt hơn nữa trong thời bùng nổ truyền hình thực tế như hiện nay. “Hữu xạ tự nhiên hương” có vẻ không còn là chuyện của thời nay, càng không phải của truyền hình thực tế. Nên không dễ để tìm ra và thực hiện được câu trả lời về việc tìm kiếm khán giả, dù rằng có thể nói rất nhiều chương trình của các “tiểu gia” xứng đáng được khán giả xem vì sự đa dạng, giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here