Khi viễn thông lấn sân truyền hình: Không phải dễ ăn!

0
633

Thị trường viễn thông di động gần như đã bão hòa nên khó tạo ra đột phá về tăng trưởng, nhưng bài toán lợi nhuận cho truyền hình cũng không đơn giản.

Lĩnh vực kinh doanh truyền hình ngày càng thu hút. Sau 2 doanh nghiệp viễn thông FPT và Viettel, MobiFone mới đây thông báo sẽ đầu tư vào lĩnh vực truyền hình (nhiều khả năng là kinh doanh dịch vụ tivi trả tiền).

Số lượng doanh nghiệp kinh doanh truyền hình ở Việt Nam hiện khá nhiều. Bên cạnh các đài truyền hình nhà nước và các tên tuổi vừa kể, thị trường còn có SCTV, VCTV, VTVCab, FBNC, Yan TV…

Việc gia nhập của MobiFone, với nền tảng viễn thông sẵn có trải rộng cả nước, càng khiến thị trường truyền hình thêm cạnh tranh. Trước đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh truyền hình cáp đã lên tiếng về nguy cơ mất thị phần, khi phải đối đầu với các doanh nghiệp viễn thông.

Để cụ thể hóa chiến lược, một lãnh đạo xin giấu tên của MobiFone cho biết, Công ty đã chốt thương vụ mua lại 95% cổ phần của truyền hình An Viên (AVG) nhưng không tiết lộ giá trị. MobiFone được lợi gì từ thương vụ này?

An Viên là một trong những đài truyền hình tư nhân được cấp phép sớm nhất ở Việt Nam, phát sóng theo phương thức truyền hình kỹ thuật số mặt đất. Tổng số lượng kênh phát của AVG hiện đã lên đến hơn 100, trong đó có hơn 30 kênh chuẩn HD, với nội dung trải rộng nhiều lĩnh vực.

Mặc dù quy mô đã mở rộng khắp cả nước nhưng hiệu quả hoạt động của AVG vẫn còn rất hạn chế, thậm chí thua lỗ. Mua lại AVG, MobiFone sẽ có ngay cơ sở hạ tầng, nhân lực và khách hàng, làm bàn đạp tiến vào lĩnh vực truyền thông.

Trong năm 2015, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone đạt doanh thu 36.900 tỉ đồng và lợi nhuận 7.395 tỉ đồng, trong khi Viettel đạt doanh thu và lợi nhuận lần lượt lên đến 222.700 tỉ đồng và 45.800 tỉ đồng.

Để không bị tụt lại quá xa, MobiFone sẽ buộc phải tái cơ cấu. Theo ông Lê Nam Trà, Chủ tịch Hội đồng Thành viên MobiFone, trong giai đoạn mới, Công ty sẽ tập trung vào 4 mảng chính là di động, truyền hình, bán lẻ và đa phương tiện.

Thị trường viễn thông di động ở Việt Nam gần như đã bão hòa nên khó tạo ra bước đột phá mới về tăng trưởng, do đó gánh nặng sẽ thuộc về các mảng còn lại. Mới đây, mảng bán lẻ đã được MobiFone khởi động khi cho ra mắt cửa hàng kinh doanh điện thoại đầu tiên tại TP.HCM. Giờ đến lượt mảng truyền hình.

Mua lại AVG, MobiFone sẽ có ngay cơ sở hạ tầng, nhân lực và khách hàng, làm bàn đạp tiến vào lĩnh vực truyền thông.

Bên cạnh đó, trong năm 2016, MobiFone dự kiến tiến hành cổ phần hóa để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư. Định giá sơ bộ của Công ty Chứng khoán TP.HCM cho thấy, giá trị thị trường của MobiFone có thể lên đến hơn 4 tỉ USD. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, số tiền thu về từ cổ phần hóa MobiFone có thể lên đến 20.000 tỉ đồng. Nguồn thu này khá đủ để thực hiện các thương vụ đầu tư khủng vào lĩnh vực truyền thông.

Thị trường truyền hình ở Việt Nam hấp dẫn không chỉ đối với doanh nghiệp nội, mà còn thu hút được nhiều nhà đầu tư ngoại. Ví dụ, quỹ đầu tư KKR, đang là cổ đông lớn tại Masan Consumer, đặt mục tiêu đầu tư vào lĩnh vực truyền thông và giải trí châu Á, trong đó có Việt Nam. Quá trình này đã khởi đầu bằng việc thành lập công ty đầu tư Emerald Media, có vốn ban đầu khoảng 300 triệu USD.

Theo đánh giá của KKR, trong 5 năm tới, Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trong những thị trường truyền thông tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, nhờ mức sống và nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày càng tăng. Các sản phẩm có tiềm năng lớn sẽ là video trực tuyến, truyền hình trả tiền hay truyền hình miễn phí. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình của phân khúc này, KKR dự báo, sẽ là 11%/năm. Hiện chưa rõ, KKR sẽ thực hiện thương vụ đầu tư nào ở Việt Nam.

Sức ép cạnh tranh gia tăng khi có nhiều tay chơi tham gia sẽ mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội được xem các sản phẩm truyền hình chất lượng hơn. Mặc dù vậy, bài toán lợi nhuận cho các công ty truyền hình không phải là chuyện đơn giản. Sắp tới, MobiFone sẽ phải đối mặt với điều này.

Trong 5 năm tới, Việt Nam được kỳ vọng trở thành một trong những thị trường truyền thông tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Đó là do khả năng tự chủ chương trình và chất lượng phát sóng còn hạn chế. Dù đã cải tiến rất nhiều trong các năm gần đây, nhưng nội dung các chương trình truyền hình ở Việt Nam vẫn còn kém phát triển, chưa đặc sắc và phụ thuộc rất lớn vào mua bản quyền các chương trình nổi tiếng nước ngoài. Dĩ nhiên, mức phí phải trả là một con số không hề nhỏ.

Ví dụ, cách đây hơn 3 năm, K+ và các nhà đài khác, như Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP.HCM, SCTV và VTVcab, đã chi đến 38 triệu USD để mua gói bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh mùa 2013-2016. Số tiền chi dự kiến cho mùa bóng kế tiếp sẽ tiếp tục tăng mạnh. Với chương trình giải trí, phim ảnh…, các nhà đài Việt cũng phải chi số tiền không nhỏ cho đối tác nước ngoài. Điều này vô hình chung, ăn mòn lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình.

Do đó, muốn phát triển, truyền hình Việt Nam không chỉ cần đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng mà còn phải tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, liên kết với các nhà sản xuất nội dung. Các quốc gia xung quanh đã làm khá tốt điều này và ngày càng có nhiều startup nổi danh khu vực.

Điển hình là trường hợp Coconuts Media, trụ sở chính tại Thái Lan. Ra đời cách đây 4 năm, Coconuts đã phát triển rất nhanh, tập trung vào việc sản xuất các video giải trí, du lịch, ăn uống và câu chuyện cuộc sống. Năm 2014, startup này đã nhận được 2 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ và đang trở thành một trong những thế lực truyền thông nhiều triển vọng ở Đông Nam Á. Thị trường mà Coconuts nhắm đến không chỉ ở Bangkok mà còn ở Manila, Singapore, Hồng Kông, Kualar Lumpur, Bali và Yangon.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here