Giữ bằng được thương hiệu mạnh

0
645

Doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa còn gì, làm sao giữ và phát triển được thương hiệu Việt là vấn đề cần cân nhắc, tính toán.

Năm 2015, TP HCM sẽ cổ phần hóa (CPH) 21 doanh nghiệp (DN) nhà nước, sau khi hoàn thành 11 đơn vị trong năm ngoái. Ngay từ đầu năm, các tổng công ty, DN nhà nước đã ký cam kết bảo đảm tiến độ CPH. Nhiệm vụ mà TP đặt ra đối với các DN là đẩy nhanh tiến trình CPH nhưng phải giữ bằng được những thương hiệu mạnh của Việt Nam.

Khó định giá

Kể câu chuyện Công ty CP Dịch vụ và Du lịch (Bến Thành Tourist) tháng 12-2014 phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) thành công với giá trúng thầu bình quân hơn 21.000 đồng (giá khởi điểm 10.500 đồng), đại diện Tổng Công ty Bến Thành cho rằng thương hiệu DN được nhà đầu tư rất quan tâm, sẵn sàng trả giá cao. Những căn cứ theo quy định nhà nước để xác định giá trị DN thì chưa có nhưng thị trường đánh giá được tiềm năng, lợi thế của DN.

Sắp tới, TP sẽ CPH một loạt DN lớn, tổng công ty trên địa bàn. Theo Ban Đổi mới quản lý DN TP HCM, hiện 21/21 DN nhà nước cần CPH trong năm nay đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo CPH, 19/21 DN có công văn chọn đơn vị tư vấn, 11/21 DN có quyết định giao tài sản để thực hiện CPH. Chỉ mới 2/21 DN có quyết định công bố giá trị DN.

Trên thực tế, không chỉ các DN phải CPH trong năm 2015 mà nhiều công ty cổ phần phải thoái vốn nhà nước trong năm nay gặp khó khăn trong khâu xác định giá trị DN. Chẳng hạn, Saigontourist là thương hiệu nhà nước thuộc top đầu ngành du lịch, đang sở hữu và quản lý hàng loạt khách sạn, nhà hàng nổi tiếng như Continental, Rex, Majestic… Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra là tập đoàn kinh tế lớn với hơn 70 công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Nếu chỉ định giá DN theo giá trị sổ sách mà không chú trọng đến giá trị thương hiệu thì sẽ gây thiệt thòi, thậm chí thất thoát tài sản nhà nước.

Ví dụ, khách sạn Continental hơn 100 năm tuổi gắn với “Người Mỹ trầm lặng”, có yếu tố lịch sử thì không thể định giá thông thường. Caravelle, Majestic là những thương hiệu rất lâu đời, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của TP HCM, có giá trị rất lớn. Trong lĩnh vực thực phẩm, Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản (Vissan) có bề dày hơn 40 năm, là thương hiệu nổi tiếng trong nước và đã xuất khẩu sang một số nước Đông Âu, ASEAN; giá trị thương hiệu dự đoán lên đến vài trăm tỉ đồng.

Thực tế triển khai, các DN còn khá lúng túng trong việc xác định giá trị DN, xác định nhà đầu tư và làm cách nào vừa CPH vừa bảo vệ thương hiệu Việt.

Mục tiêu là vậy nhưng thực tế triển khai, các DN còn khá lúng túng trong việc xác định giá trị DN, xác định nhà đầu tư và làm cách nào vừa CPH vừa bảo vệ thương hiệu Việt. Ngoài ra, TP chưa thống nhất tỉ lệ giữ vốn nhà nước trong các DN CPH cũng gây bị động cho các DN trong việc chọn nhà đầu tư, định hướng phát triển trong tương lai.

Cần chiến lược rõ ràng

Ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn và Hỗ trợ chiến lược Win – Win, cho rằng muốn giữ thương hiệu DN sau CPH thì ngay từ trước hoặc trong tiến trình CPH, DN phải có chiến lược rõ ràng để giữ thương hiệu; từ đó chọn lọc, đánh gi&aacqA{= nhà đầu tư và có hợp đồng ràng buộc rõ ràng với nhà đầu tư. “Muốn vậy, phải làm tốt khâu xác định giá trị thương hiệu DN” – ông Năm nói.

Theo TS Trần Du Lịch – ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM – CPH trước hết phải đánh giá được giá trị thương hiệu, tìm đối tác chiến lược tham gia để tiếp tục phát triển thương hiệu đó. Để những tổng công ty lớn CPH hiệu quả thì nên lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trước khi đưa ra công chúng vì nhà đầu tư chiến lược có năng lực thì mới có khả năng phát triển DN. Mặc dù vậy, hiện các DN IPO lại hướng vào công chúng chứ không lựa chọn nhà đầu tư chiến lược. “DN muốn nâng tầm, vươn ra quốc tế thì nên chọn những công ty tư vấn uy tín thực hiện định giá. Khi minh bạch chuyện định giá rồi thì sẽ dễ chọn nhà đầu tư chiến lược” – ông Lịch nêu quan điểm.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here