Giải mã nhà lãnh đạo hướng nội

0
778

Marissa Mayer (CEO của Yahoo!), Bill Gates (Chủ tịch Tập đoàn Microsoft), Warren Buffet (Chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway), Martha Minow (Hiệu trưởng Trường Luật Harvard), Katharine Graham (Chủ biên tờ The Washington Post trong suốt 20 năm), Elon Musk (CEO của SpaceX, Tesla Motors, Chủ tịch SolarCity), Andrea Jung (CEO của Avon), Larry Page (CEO của Google). Đâu là điểm chung của những cái tên vốn được xem là biểu tượng, là người đứng đầu trong lĩnh vực của mình? Câu trả lời chính là: họ là những người hướng nội.

Hai thuật ngữ “người hướng nội” và “người hướng ngoại” được khai sinh từ thập niên 1920 bởi nhà tâm lý học Carl Jung. Người ta thường cho rằng người hướng nội là thấp kém, là nỗi thất vọng; trong khi những người hướng ngoại, giỏi nói năng, là thông minh và thành công hơn. Thế nhưng, Susan Cain, nhà tâm lý học và là tác giả cuốn sách The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking, mạnh mẽ tuyên bố: “Không hề có mối liên hệ nào giữa việc “một người giỏi nói năng” với “một người có ý tưởng hay”!”.

Người hướng nội chỉ khác người hướng ngoại ở điểm: họ thường nhìn vào bên trong chính mình, xem xét lại suy nghĩ và cảm xúc của bản thân và ít quan tâm đến những sự kiện xã giao. Họ có xu hướng tập trung trong tĩnh lặng, lắng nghe nhiều hơn nói và suy nghĩ kỹ trước khi phát biểu.

Nhìn lại lịch sử, nếu như trước thế kỷ XX là giai đoạn mà các sử gia gọi là “nền văn hóa của nhân cách”, tức xã hội kỳ vọng mỗi người cư xử có đạo đức và chính trực thì từ thế kỷ XX về sau, xã hội dần chuyển dịch sang “nền văn hóa của tính cách”, khi con người đổ xô tìm kiếm thành công ở thành thị và tìm mọi cách để khẳng định cái tôi bản thân. Nói cách khác, xã hội và môi trường kinh doanh hiện nay đang tôn vinh những tính cách hướng ngoại và có cái nhìn có phần định kiến về người hướng nội.

Trên thực tế, có rất nhiều lãnh đạo thành công trên thế giới là người hướng nội. Họ từ tốn và chừng mực, thích đặt câu hỏi và lắng nghe câu trả lời. Họ có thể là những nhà đàm phán, thương thuyết vô cùng mạnh mẽ. Ngoài ra, họ cũng rất sáng tạo và có những “công trình” để đời như Macintosh (của Steve Wozniak), PayPal (Elon Musk), Google (Larry Page) và Harry Potter (J.K. Rowling).

Trong lĩnh vực đầu tư, không ai là không biết đến và nể trọng Warren Buffett, cũng là một người hướng nội. Ngoài việc theo đuổi triết lý “đầu tư giá trị”, bí quyết tạo nên thành công của ông chính là “đi ngược đám đông”. Cụ thể về sự đi ngược này, Warren Buffett cho biết các nhà đầu tư ở Phố Wall thường bị ánh hào quang của giới truyền thông, hay các buổi tiệc tùng hào nhoáng xa hoa làm xao nhãng, thay vì lẽ ra họ phải dành nhiều thời gian để tập trung phân tích các thương vụ đầu tư. Xét về tài năng, ông thừa nhận bản thân không có gì hơn họ, nhưng nhờ biết duy trì sự tập trung và cẩn trọng trong phân tích đầu tư. Nhờ đó, tỉ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm của Berkshire Hathaway trong suốt giai đoạn 1965-2012 đạt 19,7%, với tỉ suất sinh lợi 586.817%.

Còn trong quyển sách “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins, chân dung một nhà lãnh đạo cấp độ 5 được ông phát họa có rất nhiều điểm tương đồng với một nhà lãnh đạo hướng nội: “Họ có sự pha trộn đầy nghịch lý giữa sự khiêm nhường và ý chí chuyên nghiệp. Họ là người trầm tĩnh, ít nói, thậm chí có phần bẽn lẽn và nhún nhường, thế nhưng họ cũng có một ý chí vững vàng và một quyết tâm khó ai bì kịp”.

Một ví dụ điển hình là Darwin E. Smith, Tổng Giám đốc (CEO) của Kimberly Clark giai đoạn đầu thập niên 1970. Chính ông cũng bất ngờ khi được giao chức vụ CEO trong bối cảnh Công ty đang khó khăn trăm bề. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm tại vị, ông đã giúp Kimberly Clark không những vượt qua khó khăn mà còn trở thành công ty hàng đầu thế giới trong ngành hàng sản phẩm làm từ giấy.

Theo định nghĩa thông thường của xã hội, những người có tính cách như lánh xa ánh hào quang của giới truyền thông, dành nhiều thời gian ở một mình để suy tư có vẻ như không phù hợp để trở thành nhà lãnh đạo, chứ đừng nói đến việc trở thành nhà lãnh đạo cấp độ 5, đưa công ty từ tốt trở thành vĩ đại. Vậy mà các nghiên cứu của Jim Collins đã chứng minh điều ngược lại. Những phẩm chất có vẻ “nhàm chán” ấy đều được tìm thấy ở những nhà lãnh đạo vĩ đại.

Sau nhiều nghiên cứu và đúc kết, các nhà tâm lý học hiện nay xác định 5 phẩm chất vượt trội ở một nhà lãnh đạo hướng nội mà tất cả mọi người, hướng nội hay hướng ngoại đều có thể học hỏi và rèn luyện:

Thảo luận đi vào chiều sâu

Những người hướng nội thường ít khi thích tán dóc và “nhảy cóc” từ chủ đề này sang chủ đề khác. Họ thường thích những cuộc thảo luận có chiều sâu, nghiêm túc, tập trung vào một chủ đề được quan tâm.

Có khả năng làm việc độc lập

Steve Wozniak, một kỹ sư hướng nội, đồng sáng lập Apple với Steve Jobs và là người phát minh ra dòng máy tính cá nhân Macintosh, cho biết: “Tôi không tin rằng một cuộc cách mạng lại được khởi xướng từ một ủy ban, hay một đội ngũ”. Lời nhận xét này nghe có vẻ cực đoan và trái khoáy, thế nhưng, nó lại được sự ủng hộ của hai tiến sĩ tâm lý học K. Anders Ericsson, Adrian Furnham. Những nhà lãnh đạo hướng nội thường dành nhiều thời gian suy tư, khám phá mọi ngóc ngách của vấn đề. Đối với họ, ý tưởng sáng tạo hoàn toàn có thể xuất phát từ một cá nhân có đủ tài năng và thời gian chiêm nghiệm, chứ không hẳn phải xuất phát từ tập thể, đám đông.

Đọc nhiều

Khoa học cho thấy rằng những kết nối xã hội giúp con người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Điều này hoàn toàn đúng. Thế nhưng, kết nối xã hội không đồng nghĩa với những hoạt động tiệc tùng, ồn ào. Đọc sách, trái lại, cũng là một hình thức kết nối xã hội sâu sắc, giúp đưa người đọc vào thế giới tâm trí của người viết, những người thường xuyên đọc thường có kỹ năng xã hội tốt và nhanh chóng thấu hiểu được người khác.

Lắng nghe chủ động

Lắng nghe chính là chìa khóa để thành công trong vai trò lãnh đạo. Nhà lãnh đạo hướng nội thường lắng nghe rất hiệu quả và khuyến khích cấp dưới chủ động sáng tạo trong công việc.

Tạo những khoảng lặng

Có nhiều nhà diễn thuyết hướng nội, như Giáo sư Tâm lý học Brian Little, có vẻ ngoài rất hướng ngoại, bởi vì họ cần làm tròn vai trò của họ trong công việc hay cuộc sống. Nhưng khi cần tái tạo năng lượng cho bản thân, họ chủ động tạo ra những khoảng lặng để trở về với những xúc cảm và nhận thức sâu lắng của mình.

Có hơn một nửa dân số toàn cầu là người hướng nội, trong khi các hệ thống, thiết chế hiện hữu được thiết kế để tận dụng khả năng của người hướng ngoại và đây là một sự lãng phí vô cùng to lớn. Qua việc thấu hiểu về những phẩm chất và xu hướng của người hướng nội, nhà lãnh đạo có thể tận dụng nguồn lực này hiệu quả hơn.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here