Đứng vị trí thứ 2 ngành bán lẻ di động, bước đi tiếp theo của FPT Shop là gì?

0
589

Là người đi sau trong lĩnh vực bán lẻ di động, nhưng FPT Retail cho thấy mình có chiến lược kinh doanh đúng đắn để vươn lên nhóm dẫn đầu thị trường.

Bốn năm mở 370 cửa hàng

Trong bất kỳ một ngành kinh doanh nào, công thức chung luôn là 2 doanh nghiệp dẫn đầu sẽ nắm đa số doanh thu và lợi nhuận. Trong ngành nước giải khát, đó là cái tên Coca và Pepsi. Trong ngành sản xuất điện thoại di động, đó là Apple và Samsung. Còn trong ngành bán lẻ di động tại Việt Nam, đó là Thế giới di động và FPT Retail.

Với FPT Retail, năm 2012, đơn vị này mới chính thức bước vào lĩnh vực bán lẻ di động với 2 thương hiệu là FPT Shop và F.Studio by FPT (F.Studio chuyên doanh sản phẩm của Apple). Có thể thấy, FPT Retail có xuất phát điểm chậm hơn rất nhiều so với những đối thủ trên thị trường. Doanh nghiệp này quyết định nhảy vào khi những tên tuổi lớn nhỏ, phân khúc đều đã được định hình. Đây có thể xem là quyết định mạo hiểm bởi những “underdog” (DN đi sau trên thị trường) như FPT đòi hỏi cần có chiến lược kết hợp tiềm lực mạnh mẽ để có thể vượt lên.

Đó là chiến lược mở rộng không ngừng nghỉ và bám sát theo các “đàn anh” trên thị trường.

Ngay năm đầu tiên phát triển, FPT Retail đã đạt mốc 50 cửa hàng. 3 năm sau, con số này là 370 cửa hàng. Việc tăng trưởng số cửa hàng lên gấp hơn 7 lần chỉ trong vài năm theo đúng quy tắc của ngành bán lẻ: Phát triển thật mạnh tới một quy mô doanh thu đủ lớn rồi mới bắt đầu tính đến lợi nhuận.

Chính vì vậy, trong năm 2013 sau đó, khi số cửa hàng lên tới 100 và doanh thu đạt 2.900 tỉ đồng, FPT Retail vẫn bị âm một chút về lợi nhuận. Ban lãnh đạo FPT Retail thời điểm đó tính toán, có thể sẽ mất thêm một năm nữa thì chuỗi bán lẻ của mình mới bắt đầu có lợi nhuận.

Tuy nhiên, kết quả thu về khả quan hơn dự kiến. Năm 2014, FPT Shop có 160 cửa hàng, doanh thu đạt gần gấp đôi so với năm trước là 5.200 tỷ đồng và lần đầu tiên kinh doanh có lãi với 40 tỷ lợi nhuận trước thuế. Tạm gác con số lợi nhuận còn rất mỏng sang một bên, mức doanh số của FPT Retail lúc này đã xếp thứ 2 thị trường bán lẻ di động. Vị trí này được duy trì tới thời điểm hiện tại và ngày càng bỏ xa những DN xếp sau như Viễn thông A, Nhật Cường, CellphoneS,…

Đến năm 2015, với mức tăng tốc nhanh chóng số lượng cửa hàng lên 250, FPT Shop đạt doanh thu 7.800 tỷ và lợi nhuận trước thuế tăng 4,5 lần so với năm trước đạt 180 tỷ đồng. Dự tính hết năm 2016, FPT Shop sẽ phát triển tới 370 cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt đạt 10.700 tỷ đồng và 250 tỷ đồng.

Bước đi tiếp theo

Mặc dù vậy, sự tăng trưởng cũng được dự báo là sắp chững lại theo sự đi xuống chung của toàn ngành. Ngành bán lẻ di động tại Việt Nam được dự báo sẽ bão hòa trong vài năm tới và bước tiếp theo của FPT Retail chắc chắn sẽ rất khó khăn, khi phải đi tìm lời giải cho bài toán “làm gì để tiếp tục phát triển sau đó?”.

Dự tính hết năm 2016, FPT Shop sẽ phát triển tới 370 cửa hàng, doanh thu và lợi nhuận trước thuế dự kiến lần lượt đạt 10.700 tỷ đồng và 250 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail cho rằng, thị trường bán lẻ di động tại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội.

“Theo GFK, các chuỗi bán lẻ di động đang chiếm khoảng 70% thị phần, 30% còn lại vẫn thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ, vì vậy cơ hội để FPT Shop tiếp tục mở rộng vùng phủ vẫn còn. Tuy dự báo mỗi năm, tăng trưởng của mảng ĐTDD chỉ khoảng 5% nhưng thực tế, người dùng chuyển đổi từ điện thoại phổ thông sang Smartphone ngày càng nhiều, giúp cho Smartphone có mức tăng trưởng trên 2 con số hàng năm, đó cũng là cơ sở để chúng tôi phát triển trong các năm tiếp theo”

10 tháng năm 2016, FPT Retail vẫn tăng 32% về doanh thu và 44% về LNTT. Trong đó, thương mại điện tử là lĩnh vực được FPT Retail đầu tư tập trung và dần trở thành điểm sáng. Doanh thu 10 tháng đầu năm là hơn 1.000 tỷ đồng, khoảng 45 triệu USD, tương đương 227% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, bán hàng online hay TMĐT tại Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh, và chỉ một lĩnh vực TMĐT không thể là đáp án hoàn chỉnh cho FPT Retail. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được thì kế hoạch doanh thu ở mảng TMĐT của FPT Retail vào năm sau 2017 đặt ra dự kiến gấp đôi năm 2016.

Đồng thời, theo dự báo của các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này thì Việt Nam nằm trong khu vực có tiềm năng phát triển về TMĐT lớn nhất trên thế giới và sẽ sớm bùng nổ trong tương lại gần. Thêm một chi tiết đáng lưu ý, chỉ sau 1 năm traffic vào website FPT Shop đã tăng gấp 3 và dự kiến đạt gần 800.000 session/ngày vào cuối năm nay.

Theo đại diện FPTshop, công ty đang chuẩn bị các hướng đi cho tương lai ngoài việc tiếp tục mở rộng vùng phủ về các tuyến huyện cấp 2 trong các năm tới:

Một là chính sách “cày sâu cuốc bẫm”, FPT Shop đang triển khai 1 loạt các dự án để khai thác sâu hơn lượng khách hàng trên thị trường, tiếp cận khách hàng tận nơi, giúp mang thêm khách hàng về cho chuỗi shop đang hiện hữu.

Hai là dựa trên lợi thế về kinh nghiệm mở chuỗi, kinh nghiệm bán lẻ, lợi thế ứng dụng công nghệ vào quản lý,…FPT Retail đang nghiên cứu, tìm kiếm, thử nghiệm các mảng kinh doanh hoàn toàn mới nhưng nhiều tiềm năng, song song và độc lập với chuỗi FPTshop, để tạo đà tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận cho các năm tiếp theo.

Ba là trung thành với chính sách “tận tâm phục vụ khách hàng”, FPT Retail quyết tâm hoạt động, xây dựng phong cách phục vụ khách hàng cho tất cả các mảng kinh doanh dù mới hay cũ, lấy đó làm nền tảng tăng trưởng bền vững.

“Làm được như vậy, bài toán làm gì để tiếp tục phát triển sau đó của FPT Shop sẽ thực sự được giải quyết”, bà Điệp chia sẻ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here