Donald Trump và thời “trị quốc” bằng Twitter

0
651

“Meryl Streep, một trong những diễn viên được tung hô thái quá tại Holywood, mặc dù không biết tôi nhưng lại chỉ trích tôi trong buổi lễ Quả cầu vàng. Bà ta là một con…”, Tổng thống Donald Trump bình luận trên Twitter.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông bởi phong cách lãnh đạo khác lạ của mình. Điển hình trong số đó là việc thường xuyên có những dòng phát ngôn trên trang mạng xã hội làm đảo lộn thị trường, xã hội cũng như cuộc sống của nhiều người dân Mỹ.

Nhiều nhân viên tình báo bất mãn với việc ông Trump hớ hênh để lộ thông tin qua những dòng trạng thái trên Twitter, trong khi các nhà đầu tư thị trường chứng khoán thì chờ đợi vị tổng thống mới có những lời nhận định gây sốc để hưởng lợi từ đợt tăng giảm giá ngắn hạn của một cổ phiếu nào đó.

Dường như nước Mỹ đang bị đảo lộn bởi những dòng nhận định trên Twitter của Tổng thống Trump. Hàng ngày vào bất cứ lúc nào, vị lãnh đạo Nhà Trắng cũng có thể tung ra những lời tuyên bố dài khoảng 140 ký tự, liên quan từ những chính sách quan trọng cho đến các chuyện tào lao.

Trong lịch sử của Twitter, chưa có nhân vật nào dùng trang mạng xã hội này mà lại có ảnh hưởng lớn đến như vậy. Mỗi dòng nhận định của ông trên Twitter đều khiến giới truyền thông náo động, phân tích và mổ xẻ ngay sau đó.

Thậm chí, nhiều người còn đùa rằng đây là thời kỳ mà nước Mỹ được điều hành bằng Twitter.

Định quốc bằng Twitter

Trên thực tế, việc tổng thống Mỹ sử dụng các phương tiện truyền thông để giao tiếp với cộng đồng không phải hiếm. Cựu Tổng thống Franklin Roosevelt đã từng có những cuộc trò chuyện qua radio lần đầu tiên vào tháng 3/1933 khi nỗi lo sợ về hệ thống ngân hàng Mỹ đổ bể gia tăng. Trong khi đó, Cựu Tổng thống Dwight Eisenhower và Ronald Reagan cũng có những cuộc họp báo trực tiếp trên truyền hình nhằm rút ngắn khoảng cách với người dân hơn.

Gần đây nhất, Cựu tổng thống Barack Obama cũng là người hay dùng mạng xã hội như Twitter, Facebook hay thậm chí Flickr.

Dẫu vậy, hầu hết các nhà lãnh đạo sử dụng những phương tiện truyền thông này một cách hết sức thận trọng và chủ yếu nhằm tạo niềm tin hoặc vận động cho các dự luật, chính sách cụ thể. Trường hợp của Tổng thống Trump làm lộ các thông tin nhạy cảm hoặc chỉ trích những chuyện trời ơi đất hỡi là điều lần đầu tiên xảy ra ở Nhà Trắng.

Hầu như chưa có chính trị gia nào có thể tưởng tượng được Tổng thống Trump lại dùng Twitter để chỉ trích diễn viên Meryl Streep vì bà đã phê phán ông tại lễ trao giải Quả cầu vàng, trong khi cũng dùng công cụ này để vận động tranh cử, thể hiện quan điểm về một chính sách nào đó hoặc đơn giản chỉ để đăng lời chúc mừng vu vơ.

Ngay từ khi chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ông Trump đã trở nên nổi bật nhờ những dòng Twitt vô thưởng vô phạt. Thậm chí nhiều ứng cử viên đối thủ cũng cảm thấy kỳ lạ sao vị tỷ phú này có thể dùng mạng xã hội để công kích cha mẹ của một quân nhân đã tử trận hay một cựu hoa hậu hoàn vũ đã từng chỉ trích ông.

Hơn thế nữa, nhiều dòng Twitt được đăng vào nửa đêm hay gần sáng, khi mọi người đã yên giấc và điều này khiến các chuyên gia nghi vấn về khả năng nghiện mạng xã hội của nhà lãnh đạo này.

Khi đắc cử, ông Trump đã từng cam kết sẽ hạn chế dùng Twitter: “Tôi sẽ rất hạn chế nếu tôi dùng nó (Twitter), tôi sẽ rất hạn chế.”

Nhà lãnh đạo này đã cam kết như vậy trong chương trình phỏng vấn 60 Minutes vào tháng 11/2016, nhưng tất cả dường như đổ bể khi từ ngày 11/11/2016 đến ngày 12/12/2016, ông chủ Nhà Trắng đã đăng 315 dòng cảm tưởng, bao gồm cả những nhận định đăng lại.

Một số nhân viên giấu tên của ông Trump cho biết thay vì hạn chế dần việc dùng Twitter khi đắc cử, ông Trump lại dùng nhiều hơn vì không muốn giới truyền thông chính thống bóp méo quan điểm.

Trớ trêu thay, tổng thống Trump lại khó lòng kiểm soát được những dòng Twitt của mình khi chúng gây ra những thiệt hại to lớn trước khi nhà lãnh đạo này biết được mình đúng hay sai.

Ví dụ kinh điển nhất là việc ông Trump khó chịu trên Twitter về việc bộ an ninh Mỹ chậm họp với tổng thống về thông tin Nga đã can thiệp vào kết quả bầu cử. Sau khi mở ngoặc mỉa mai 2 chứ tình báo, ông Trump nói mát rằng có lẽ bộ an ninh Mỹ cần thêm thời gian cho các chứng cứ.

Tuy nhiên nhà lãnh đạo này sau khi có cuộc họp với các quan chức an ninh cuối cùng đã thừa nhận có bằng chứng tin tặc Nga can thiệp bầu cử. Dẫu vậy, ông Trump lại dùng Twitter để công kích cơ quan an ninh Mỹ khi cho rằng họ để lộ thông tin này mà không biết rằng chính những tổ chức tư nhân thuộc phe đối lập mới là bên được lợi nhất khi để lộ tin tức này.

Khi tổng thống lên mạng xã hội chửi rủa

Tạp chí Newsweek đã phân loại 315 dòng Twitt của ông Trump kể từ khi đắc cử, từ ngày 9/11/2016 tới ngày 12/1/2017 thành 16 loại, bao gồm chính sách đối nội đối ngoại, thông báo về lịch trình và bình luận sau sự kiện, những lời chỉ trích, chúc mừng, các vấn đề về nội các và những thứ khác.

Trong số 315 dòng Twitt, những lời than vãn chiếm đa số với 63 dòng bình luận. Đó có thể là lời phàn nàn rằng báo chí đưa tin không trung thực, thiên hạ không chúc mừng chiến thắng của mình hay mọi người có những nhận định bất công với ông…

Tiếp đó, những dòng Twitt chúc mừng, cảm ơn, thông báo xuất hiện trên báo chí nhiều thứ nhì với 42 dòng bình luận. Những dòng Twitt mang tính thời sự chung chung chiếm 40 dòng bình luận.

Những thông báo về thành tự kinh tế hay kinh doanh và được ông Trump tự ăn mừng khi cho đó là nhờ công lao của mình chiếm 27. Cũng với con số 27 dòng bình luận là số Twitt lăng mạ, chỉ trích người khác của nhà lãnh đạo này.

Nổi tiếng nhất trong số đó có lẽ là lời chỉ trích nữ diễn viên Meryl Streep khi bà có những lời lẽ chống đối ông trong giải Golden Globes (Quả cầu vàng). Theo đó, ông chủ Nhà Trắng cho rằng bà Streep là một diễn viễn được tâng bốc thái quá. Trớ trêu thay, những lời này của ông Trump lại bị người dẫn chương trình Oscar năm nay đem ra làm trò đùa khi vinh danh sự nghiệp cống hiến cho điện ảnh của nữ diễn viên Streep.

Một điều khá thú vị nữa là ông Trump chỉ trích cả đối thủ cũ của mình, ứng cử viên Hillary Clinton dù bà đã thất bại trong cuộc bầu cử 2016. Mãi tới ngày 6/1/2017, tức 2 tháng sau cuộc bầu cử, nhà lãnh đạo này vẫn thóa mạ phe của bà Clinton.

Số dòng Twitt nhiều thiếp theo liên quan đến các vấn đề đối ngoại với 25 lời bình. Những lời chỉ trích Liên hiệp quốc, đe dọa Bắc Hàn, kêu gọi Israel cố gắng duy trì hợp tác… được các chuyên gia cho là vô bổ khi không đề ra được chiến lược cụ thể nào và còn làm tình hình phức tạp hơn khi khiến đồng minh cũng như các nước bối rối về quan điểm của Nhà Trắng.

Thậm chí vào ngày 4/12/2016, những dòng Twitt chỉ trích Trung Quốc của ông Trump còn làm quan hệ 2 nước trở nên căng thẳng hơn khi cả 2 đang là đối tác thương mại quan trọng của nhau. Những lời cáo cuộc Trung Quốc thao túng tiền tệ chẳng thay đổi được gì vì đồng Nhân dân tệ đã và đang tăng giá trong nhiều tháng và chính quyền Washington chẳng thể làm gì để thay đối chúng.

Tồi tệ hơn, những dòng Twitt này của Tổng thống Trump có thể gây khó khăn cho các nhà ngoại giao khi đàm phán thương mại với chính quyền Bắc Kinh.

Về chính sách đối nội, ông Trump có khoảng 14 lời bình trên Twittter nhưng gây chú ý nhiều nhất là những thông tin bổ nhiệm nội các mà phần lớn là các doanh nhân, nhà đầu tư, tỷ phú…

Phần còn lại trong các lời bình trên Twitter thì khá hỗn loạn với đủ mọi thông tin trên trời dưới đất, khiến dư luận khá bối rối về quan điểm của vị tân tổng thống Mỹ.

Vào ngày 9/1/2017, Tổng thống Trump đăng bức ảnh chụp chung với vợ chồng Cựu Tổng thống Ronald Reagan để thể hiện sự hâm mộ của ông. Tuy nhiên, có một sự thật trớ trêu là trong những ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã tổ chức một cuộc họp báo toàn diện bàn về chính sách đối nội đối ngoại, nhân sự nội các… nhằm trấn an người dân cũng như thế giới.

Trong suốt buổi họp báo, ông Trump chỉ nói 2.988 từ và khoảng 16.000 ký tự, tương đương 114 lời bình trên Twitter mà không có bất kỳ một lời phàn nàn, lăng mạ hay tự sướng nào.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here