Doanh nghiệp Việt ‘ngốn tiền’ vào quảng cáo trực tuyến

0
739

Ngân sách dành cho quảng cáo trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn nhưng hiệu quả không cao do thiếu kỹ năng phân tích thị trường.

Doanh thu toàn thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm nay ước tính khoảng 76 triệu USD và có thể tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm tới, trong đó khoảng 36% được tạo ra thông qua điện thoại di động. Hiện, phân khúc lớn nhất của thị trường là quảng cáo bằng công cụ tìm kiếm với doanh thu khoảng 33 triệu USD, theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Statista.

Dù tốc độ tăng trưởng kép hàng năm được xếp trong nhóm dẫn đầu châu Á, nhưng khi so sánh với quy mô thị trường của những “ông lớn” trong khu vực thì doanh thu ngành quảng cáo Việt Nam chưa đến 0,1%.

Ngoài các doanh nghiệp đang “bơm tiền” vào quảng cáo thì chính những thương nhân là hộ kinh doanh và cá nhân bán hàng trực tuyến cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành. Ngân sách dành cho quảng cáo trong những năm gần đây có sự dịch chuyển mạnh từ các phương thức truyền thống sang trực tuyến. Điều này diễn ra rõ nhất ở những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bán lẻ thiết bị di động, vé máy bay…

Báo cáo hành vi người dùng của Google cho thấy, trước khi ra quyết định mua sắm, có đến 70% người dùng nghiên cứu thông tin sản phẩm trên internet. Phần lớn trong số này lựa chọn công cụ tìm kiếm là kênh cung cấp thông tin, tiếp đến là mạng xã hội, website của nhãn hàng và trang thương mại điện tử.

Hơn 44% doanh nghiệp và hộ kinh doanh cho rằng kênh công cụ tìm kiếm giúp chiến dịch quảng bá sản phẩm đạt hiệu quả cao. Còn số này đang được cải thiện đáng kể khoảng 2 năm trở lại đây, nhưng so với mặt bằng chung của thế giới thì vẫn còn khá thấp. Chính điều này khiến nhiều hãng quảng cáo trực tuyến lớn, bên cạnh Google và Facebook, chú ý và bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam.

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chi mạnh tay cho hoạt động quảng cáo, thực trạng này không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, điều đáng nói là không nhiều trong số đó quảng cáo trúng đích, tức lựa chọn đúng khách hàng tiềm năng và thoả mãn nhu cầu của họ”, ông Mai Xuân Đạt – Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Thịnh Vượng nhận định.

Hầu hết doanh nghiệp trong nước quảng cáo theo bản năng và trào lưu mà thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường.

Theo ông Đạt, các doanh nghiệp trong nước vì “tham lam” và không nắm vững kỹ thuật quảng cáo nên thường suy luận và phỏng đoán nhu cầu của người tiêu dùng để mở rộng tối đa phạm vi tìm kiếm. Trong khi nếu xét cùng đối tượng khách hàng và thời điểm tiến hành quảng cáo, một công ty nước ngoài có thể tiết kiệm đến 30% chi phí bởi họ áp dụng triệt để nguyên tắc quan trọng nhất khi quảng cáo bằng công cụ tìm kiếm là khách tìm gì phải ra nội dung đó.

Lý giải thêm về nguyên nhân khiến hoạt động quảng cáo chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, ông Lê Đắc Thịnh Đồng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần So sánh Việt Nam (Websosanh) cho rằng, hầu hết doanh nghiệp trong nước quảng cáo theo bản năng và trào lưu mà thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường. Điển hình như trong mùa mua sắm cao điểm, doanh nghiệp không quảng cáo hoặc tiết giảm chi phí quảng cáo thì số lượng đơn hàng vẫn có thể tăng mạnh. Không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh để quảng cáo, nhưng chính tâm lý lo sợ khiến họ vội vàng rót tiền khi thấy hoạt động quảng cáo của đối thủ.

“Để quảng cáo trực tuyến hiệu quả, việc phân tích tỷ lệ chuyển đổi từng kênh bán hàng, giá trị trung bình từng đơn hàng, chi phí tạo ra một đơn hàng hoặc một khách hàng theo độ tuổi và khu vực địa lý tốn bao nhiêu… là vô cùng cần thiết. Hoạt động này cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin hữu ích để xác định nên tập trung nguồn lực vào thị trường, ngành hàng, nhóm khách hàng nào”, ông Đồng nói và cho biết thêm, chi phí đào tạo nhân lực phân tích dữ liệu có thể đẩy ngân sách quảng cáo lên khá cao, nhưng sau thời gian từ một đến hai năm thì đội ngũ này sẽ tạo ra những giá trị hữu hình và tiết kiệm cho doanh nghiệp nhất 50%.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here