“Đi chợ” cho doanh nghiệp: Ngành kinh doanh đầy hấp dẫn

0
670

Thị trường có những khoảng trống ít doanh nghiệp ngờ đến nhưng lại rất tiềm năng và ít cạnh tranh. Dịch vụ “đi chợ” cho doanh nghiệp không thực sự béo bở nhưng đủ tạo dựng nên một công ty doanh số hàng chục tỉ đồng!

Công việc thu mua cho doanh nghiệp, đặc biệt tại tập đoàn lớn, chịu áp lực rất cao, có lúc tiếp nhận hàng trăm yêu cầu mua hàng mỗi ngày, từ nhiều phòng ban khác nhau và đòi hỏi làm việc với nhiều nguồn cung cấp hàng hóa cùng lúc. Thấu hiểu lời than của những người làm trong bộ phận thu mua và nhìn thấy nhu cầu thuê ngoài tại các tập đoàn, năm 2010, Công ty wikimarketing ra đời với nhóm sáng lập gồm những người giàu kinh nghiệm làm việc tại phòng mua hàng, tài chính và marketing.

Ban đầu, Công ty cũng chỉ cung cấp một số nhóm sản phẩm như cách nhiều đơn vị trước đã đi. Tuy nhiên, càng về sau, Giám đốc Điều hành Trần Ngọc Ẩn càng nhận ra nhiều doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác với đơn vị cung cấp hàng hóa tổng hợp, từ sản phẩm, dịch vụ phục vụ văn phòng (máy tính, bàn ghế, văn phòng phẩm, đồng phục…), nhà máy (máy móc, thiết bị, sữa chữa…), hội họp, sự kiện (laptop, xe, du lịch, quà lưu niệm, chuyên gia, biên phiên dịch…). Bởi vì, loại trừ những sản phẩm yêu cầu kỹ thuật chuyên biệt, mang tính đầu tư ban đầu, doanh nghiệp có xu hướng quy về một đầu mối cung cấp để dễ quản lý.

Công ty wikimarketing đã thay đổi theo những đòi hỏi này và giờ đây có khả năng cung cấp hơn 30.000 sản phẩm cho công ty khách hàng, từ sản phẩm to lớn, giá trị hàng tỉ đồng đến sản phẩm đơn giản như cây chổi quét sàn… Khách hàng của công ty này chủ yếu là tập đoàn toàn cầu, như P&G, Uni-President, New Toyo Pulppy, Unilever, Holcim, Mitsubishi, Kimberly Clark và không thiếu một số công ty lớn của Việt Nam, như Vinamilk, Trường Hải, Tân Hiệp Phát. 90% khách hàng của Công ty là nước ngoài bởi họ đã quen với mô hình này và biết rất rõ rằng thuê ngoài mua sắm có lợi, tiết kiệm chi phí hơn tự tổ chức thu mua.

Nghe có vẻ khó hiểu vì chính ông Trần Ngọc Ẩn cũng xác nhận, giá hàng hóa qua các đơn vị trung gian, như Công ty wikimarketing, sẽ cao hơn so với mua tận gốc. Trên thực tế, ít người đủ chuyên nghiệp và kinh nghiệm để biết cách mua hàng tận gốc, cũng ít người đủ khả năng thuyết phục nhà sản xuất bán lẻ và bán với giá gốc. Chưa kể, nhiều nơi bán hàng không thể xuất hóa đơn chứng từ, cam kết về đổi trả hàng, cung cấp dịch vụ lắp ráp, vận chuyển, bảo hành hậu mãi… Tự đi mua hàng cũng đặt doanh nghiệp vào các rủi ro về thủ tục, thanh toán. Ông Ẩn dẫn chứng, để lắp một tủ văn phòng trong nhà máy, nhà cung cấp phải đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó nhân viên phải trải qua khóa học về an toàn, được trang bị bảo hộ lao động bắt buộc và toàn bộ thiết bị phụ trợ; phương tiện vận tải vào nhà máy phải được kiểm định; cắt cử nhân viên quản lý giám sát…

Muốn bán hàng cho tập đoàn đa quốc gia, thông thường theo một quy định “bất thành văn”, nhà cung cấp phải được tập đoàn mẹ cấp mã “vendor code”, sau khi trải qua hàng loạt thủ tục thẩm định bài bản, khắt khe. Không ít trường hợp, cung cầu đã không thể gặp nhau vì các nhà phân phối hoặc cung cấp nhỏ lẻ không thể vượt qua giai đoạn thẩm định này. Ông Ẩn cho biết, làm việc với đối tác ngoại, nhất là với các tập đoàn đa quốc gia, cần nhất sự chuyên nghiệp, bài bản. Để được lựa chọn, công ty cần chứng minh đủ khả năng tài chính, quản trị, nhân sự… để làm tốt yêu cầu đặt ra.

Công ty wikimarketing trở thành đơn vị trung gian giúp tháo gỡ khó khăn kể trên. Tuy nhiên, theo ông Ẩn, áp lực từ khách hàng lại chuyển lên vai của các công ty tham gia lĩnh vực này. Công ty phải có vốn để ứng trước, mua hàng cho khách, đồng thời phải nắm rõ nhu cầu khách hàng và sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý mã hàng, làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, thương lượng giá tốt… Công ty cũng phải kết nối tốt với những bên liên quan như vận chuyển, giao nhận, lắp ráp, bảo trì… để dịch vụ được thông suốt. Công ty còn phải chịu áp lực với các khoản phạt trễ hạn và nhận về phần mình những rủi ro liên quan đến việc thay đổi yêu cầu của khách hàng, nhập khẩu, hỏng hóc hàng hóa trong khi vận chuyển, lưu kho…

Công ty wikimarketing có khả năng cung cấp hơn 30.000 sản phẩm đủ chủng loại cho công ty khách hàng, vốn hầu hết là các tập đoàn đa quốc gia.

Thuận lợi cho các công ty trong ngành là mức độ đòi hỏi của khách hàng tại Việt Nam mới chỉ dừng ở mua hàng theo mô tả, chưa tới mức yêu cầu lập kế hoạch, chiến lược mua sắm trên gói tài chính. Ngoài ra, nhờ quy định mua sắm ở các tập đoàn đều khống chế mức trần mua hàng và có lộ trình rõ ràng nên với mức vốn vài chục tỉ đồng, các công ty đã có thể tham gia lĩnh vực này.

Để tự chủ dòng tiền, người quản lý tài chính của công ty cần biết cách luân chuyển tiền hợp lý. Công ty cũng cần những nhân sự thông thạo trong tìm kiếm, đàm phán với nhà cung cấp, làm việc với đối tác, lo chứng từ, hồ sơ nhập khẩu, quản lý mã hàng hóa, sản phẩm… Đây là nguyên nhân khiến Công ty wikimarketing thận trọng trong việc mở rộng quy mô. Công ty e ngại khi phình to sẽ không đủ nhân sự đảm đương tốt yêu cầu công việc.

Công ty đang ghi nhận nguồn thu từ phí mua hộ, chiết khấu của nhà cung cấp, phí dịch vụ… Tuy nhiên, theo ông Ẩn, biên lợi nhuận ngành này thường không lớn. Bởi các doanh nghiệp đều muốn tiết giảm chi phí và ngày càng có nhiều kênh để so sánh giá. Nhưng khi hoạt động của công ty khách hàng đạt tăng tưởng tốt, Công ty cũng tăng trưởng theo, dù ở mức độ và tỉ lệ thấp hơn.

Hiện tại, Công ty wikimarketing đang tập trung làm tốt công việc của mình, hơn là tìm kiếm mở rộng khách hàng hay nhìn sang đối thủ. Theo Giám đốc Điều hành Trần Ngọc Ẩn, chỉ cần mỗi năm, Công ty vẫn đạt các tiêu chí đánh giá từ khách hàng, mối quan hệ làm ăn sẽ tiếp diễn, bởi vì các khách hàng nước ngoài luôn cam kết hỗ trợ đối tác cùng phát triển bền vững.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here