Đằng sau quyết định rút khỏi Hà Nội của Parkson

0
558

Ban lãnh đạo của Parkson Retail Asia (công ty mẹ của Parkson Việt Nam) và Parkson Hà Nội nhiều năm qua đều đánh giá tiêu cực về triển vọng của thị trường miền Bắc, đặc biệt là các trung tâm tại Hà Nội của đơn vị này.

Tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2005, Parkson khi ấy là một trong những siêu thị bán lẻ hàng hiệu đầu tiên. Trong bối cảnh hai đô thị lớn như TP HCM và Hà Nội chưa có nhiều trung tâm thương mại cao cấp, đơn vị này nhanh chóng trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu và đã chi khá nhiều tiền để đầu tư, mở rộng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2014 làn sóng đầu tư của Parkson đã dừng hẳn. Đây là năm duy nhất trong suốt thời gian gia nhập thị trường Việt Nam, doanh nghiệp không mở rộng thêm trung tâm thương mại. Từ đầu năm 2015 trở đi, những khó khăn bắt đầu được biểu hiện ra bên ngoài và đến nay, nhà bán lẻ này đã lần lượt đóng cửa các trung tâm thương mại.

Mới đây, Parkson cũng đã tuyên bố sẽ đóng cửa trung tâm thương mại cuối cùng tại thị trường Hà Nội vào cuối năm 2016. Đây là địa điểm thứ 3 mà thương hiệu này phải đóng cửa trong vòng hai năm qua.

Cũng từ năm 2014, đi kèm các báo cáo thường niên là nhận định không mấy tích cực của ban lãnh đạo Parkson Retail Asia về môi trường kinh doanh của thị trường miền Bắc Việt Nam. Thông điệp gửi tới các cổ đông trong báo cáo thường niên năm 2014, ông Tan Sri Cheng Heng Jem – Chủ tịch Parkson Retail Asia cho biết, tỷ lệ tăng trưởng đối với các trung tâm thương mại đã mở trên một năm (same-store sales growth – SSSG) tại Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm 4,2%.

“Môi trường kinh doanh tại thị trường miền Bắc, đặc biệt là các trung tâm thương mại tại Hà Nội đang suy yếu khi ngày càng nhiều mặt bằng bán lẻ bị bỏ trống. Trong khi các trung tâm thương mại tại khu vực miền Nam, TP HCM vẫn tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh khả quan, nâng hiệu suất kinh doanh tổng thể của thị trường Việt Nam”, Chủ tịch Parkson Retail Asia nhận định.

Chính Parkson Hà Nội cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả thua lỗ của Parkson tại toàn thị trường Việt Nam trong năm tài chính 2014.

Theo báo cáo tài chính của Parkson Asia Retail, Parkson thu về 42,7 triệu đôla Singapore (SGD) tại thị trường Việt Nam trong năm tài chính 2014, lỗ ròng hơn 2,3 triệu SGD. Trong đó, riêng Parkson HàNội chỉ đóng góp 31,6% doanh thu (13,5 triệu SGD) nhưng lỗ hơn 7 triệu SGD (khoảng 110,5 tỷ đồng).

Đến năm tài chính 2015, kết quả này vẫn không được cải thiện mà thậm chí còn trầm trọng hơn. Kết quả kinh doanh của Parkson tại thị trường Việt Nam ghi nhận con số lỗ kỷ lục hơn 79 triệu SGD, riêng Parkson Hà Nội lỗ 74 triệu. Kết quả đột biến này đến từ việc đền bù do hủy hợp đồng thuê tại Parkson Keangnam vào đầu năm 2015. Khoản chi phí này theo công ty công bố lên tới 65 triệu đôla Singapore.

Trong báo cáo thường niên năm 2015, Chủ tịch Tan Sri Cheng Heng Jem của Parkson Retail Asia tiếp tục đưa ra những thông tin không mấy sáng sủa về tình hình kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường Hà Nội. Tỷ lệ tăng trưởng SSSG trung bình của các trung tâm thương mại tại Việt Nam tiếp tục giảm 5,1%. Trong khi hoạt động kinh doanh tại Hà Nội và Hải Phòng đối mặt với thách thức do sự mở rộng của các mô hình thương mại mới.

Giữa năm 2015, Parkson Việt Nam (công ty con do Parkson Retail Asia sở hữu 100%) cũng đã tiến hành thoái vốn, với việc bán 31% sở hữu của Parkson Hà Nội cho một cá nhân là ông Hoàng Mạnh Cường. Tính đến 09/2015, cổ đông của Parkson Hà Nội bao gồm: Parkson Việt Nam (42,2%), Công ty Đầu tư Thùy Dương (20%), ông Lê Minh Dũng (10%) và ông Hoàng Mạnh Cường (27,8%).

Đáng chú ý là việc chuyển nhượng với giá trị phần vốn góp trị giá 53 tỷ đồng được Parkson Việt Nam thực hiện mang tính hình thức, bởi khoản tiền chuyển nhượng chỉ là 5.000 USD (tương đương hơn 100 triệu đồng). Số còn lại chủ yếu là khoản lợi nhuận được hạch toán vào năm sau đó từ hoàn nhập dự phòng việc đóng cửa Parkson Keangnam và một số khoản phải trả khác tại Parkson Hà Nội.

Với kết quả lỗ ròng kỷ lục trong năm 2015, tình hình tài chính của Parkson Hà Nội cũng không mấy sáng sủa. Tài sản ròng của công ty tính tới cuối năm tài chính 2015 là âm gần 77 triệu SGD, do nợ phải trả gấp 40 lần so với tài sản, đạt 80,5 triệu SGD (tương đương 1.270 tỷ đồng). Đến hết năm tài chính 2016 (niên độ tài chính của Parkson tính từ 01/07 – 30/06), Parkson Hà Nội vẫn tiếp tục lỗ 406.000 SGD (khoảng 6,5 tỷ đồng).

Ngay trước tuyên bố đóng cửa trung tâm thương mại cuối cùng tại Hà Nội, nhân sự chủ chốt của Parkson Hà Nội đã có sự thay đổi. Theo đó, ông Trần Vĩnh Phát đã trở thành Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty thay thế ông Tiang Chee Sung người Malaysia.

Từ kết quả kinh doanh của Parkson Hà Nội, không khó để nhận ra những điểm bất cập trong mô hình hoạt động. Là một nhà bán lẻ hàng đầu, Parkson mang vào Việt Nam mô hình kinh doanh theo hướng siêu thị hàng hiệu cao cấp chia theo từng thương hiệu và hầu hết chỉ cung cấp duy nhất dòng sản phẩm này trong trung tâm thương mại của Parkson.

Tuy nhiên, với cơ cấu dân số trẻ tại các thành phố lớn chủ yếu là giới văn phòng và sinh viên, mức thu nhập không quá cao, nhu cầu các sản phẩm hàng hiệu trở thành một điều xa xỉ. Trong khi hàng loạt mô hình trung tâm thương mại “one-stop mall” hay “one-stop shopping” (cung cấp tất cả các dịch vụ tại một điểm) quy mô lớn được xây dựng trở thành đối trọng quá lớn với mô hình kinh doanh của Parkson.

Việc tuyên bố đóng cửa trung tâm thương mại Parkson Viet Tower (tại địa chỉ ngã tư Tây Sơn – Thái Hà) cũng được thực hiện trong bối cảnh nhiều trung tâm thương mại trung – cao cấp khác cũng mọc lên gần đó với những lợi thế riêng, cạnh tranh trực tiếp với địa chỉ này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here