Chiến lược tạo sự khác biệt của thương hiệu Việt

0
698

Chất lượng sản phẩm rất quan trọng nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần. Giá trị thương hiệu thường nằm ngoài sản phẩm.

Hội thảo “Vai trò của quản trị thương hiệu trong kinh doanh” vừa được Ban thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia – Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức tại Hà Nội đã thu hút nhiều tổ chức xúc tiến thương mại, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tham gia.

Đây là cơ hội giúp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Hội thảo cũng cung cấp những kinh nghiệm và kiến thức cần thiết trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu do các chuyên gia tư vấn marketing và thương hiệu uy tín thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Sơn – Giám đốc Chiến lược thương hiệu cho Richard Moore Associates cho rằng, làm thương hiệu cần có chiến lược và phải hiểu đúng về sự khác biệt. Chất lượng sản phẩm rất quan trọng nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần chứ không phải hoàn toàn trong quản trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu nằm ngoài sản phẩm. Điều cần làm là tạo ra biểu tượng văn hóa.

“Nhiều cái có thể bắt chước nhưng văn hóa thì không thể. Những thương hiệu trên thế giới thường đầu tư theo văn hóa nội bộ, tạo ra sự phấn khích và vui vẻ cho nhân viên, từ đó tạo ra hiệu suất lao động. Xây dựng thương hiệu văn hóa không có chuyện đúng sai, vấn đề là phù hợp cho doanh nghiệp, phù hợp với quá trình phục vụ khách hàng hay không”, ông Sơn chia sẻ.

Một xu thế khác tạo ra sự khác biệt thương hiệu là thiết kế. Thương hiệu trung bình hay cao cấp đều có những thiết kế riêng. Thiết kế phải liên tục được đổi mới, song phải giữ lại cái chung nhất của sản phẩm, cái nhận biết, giá trị cốt lõi của sản phẩm. Nếu không làm mới thương hiệu của chính mình thì đến một lúc nào đó nó sẽ bình thường hóa.

“Một thương hiệu chẳng có gì khác biệt đã là thách thức. Nhưng thương hiệu có nhiều lựa chọn để khác biệt cũng gặp thách thức tương đương. Cả hai tình huống đều đòi hỏi kỹ năng phân tích và đánh giá ý tưởng lớn của nhà quản trị”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Le Invest (Holdings) Corporation thì cho rằng, để xây dựng được thương hiệu mạnh thì các doanh nghiệp Việt cần phải đến gần hơn với người tiêu dùng, lắng nghe đánh giá của họ. Từ đó, bản thân doanh nghiệp có thể thấy thương hiệu của mình đang ở đâu, để có những sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt và chuyên nghiệp hơn.

Việc xây dựng thương hiệu cũng cần phải truyền tải được thông điệp đến người tiêu dùng một cách đơn giản, dễ hiểu, các sản phẩm phải đảm bảo an toàn, đạt chất lượng tốt. Đặc biệt, khâu quảng bá thương hiệu, truyền thông cũng vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên thành công khi tung sản phẩm ra thị trường.

Theo ông Bùi Huy Sơn – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Tổng thư ký Ban thư ký chương trình Thương hiệu Quốc gia, xây dựng và phát triển thương hiệu đang là vấn đề thời sự đối với các doanh nghiệp. Khi Việt Nam hội nhập sâu rộng, đi cùng đó là sự cạnh tranh quyết liệt nhằm giữ vững, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất. Chính vì vậy, thương hiệu có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển. Doanh nghiệp nào nhận thức đúng tầm quan trọng của việc cần chiến lược phát triển thương hiệu thì chắc chắn doanh nghiệp đó có thể tận dụng cơ hội vượt qua thách thức vươn lên.

Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen ý kiến, không phải ngẫu nhiên mà thương hiệu Hoa Sen lại nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước chỉ sau hơn một thập niên hình thành và phát triển.

Thành lập năm 2001 từ một doanh nghiệp tư nhân nhỏ thành, đến nay sau 14 năm, Hoa Sen đã trở thành thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực tôn thép Việt Nam. Để có được những thành công đó, bên cạnh việc không ngừng thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty còn chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, xem đó là một trong những lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp, nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay.

“Để xây dựng thương hiệu vững mạnh với doanh thu cao và bền vững, ngay những ngày đầu thành lập tập đoàn đã lấy triết lý ‘Trung thực – Cộng đồng – Phát triển’ làm giá trị cốt lõi. Trong đó, yếu tố trung thực và minh bạch được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu”, ông Vũ nói.

Xây dựng và phát triển thương hiệu là một trong những lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp, nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay.

Người đứng đầu Tôn Hoa Sen khẳng định, tất cả sản phẩm tôn thép của công ty đều tuân thủ quy chuẩn quốc tế, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh trong sạch, lành mạnh và phát triển vững bền cho thị trường tôn thép nội địa.

Không chỉ tiên phong ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và đầu tư hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại, tập đoàn cũng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế để đem đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất theo cam kết bán đúng giá, đúng tiêu chuẩn, đúng chất lượng và được bảo hành. Bên cạnh việc đề cao chữ tín, tính trung thực trong kinh doanh, doanh nghiệp này còn chọn cho mình con đường phát triển thương hiệu qua việc gắn bó và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

“Bằng những đóng góp tích cực cho xã hội, thương hiệu Hoa Sen dần thấm sâu vào trái tim người tiêu dùng với hình ảnh một thương hiệu mạnh và thân thiện. Việc xây dựng thành công thương hiệu đã tạo được lợi thế cạnh tranh vững chắc cho tập đoàn trong mọi hoạt động kinh doanh”, ông Vũ phát biểu.

Với triết lý kinh doanh “Phồn vinh cuộc sống Việt”, tập đoàn Tân Á Đại Thành cũng xác định chất lượng sản phẩm và dịch vụ chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng một thương hiệu mạnh. Ông Nguyễn Đức Chính – CEO Tân Á Đại Thành cho rằng đây là điều quyết định nên thương hiệu của công ty qua 22 năm xây dựng và phát triển.

Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ISO 9001:2008, được sản xuất dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ bởi hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề.

Tham vọng của doanh nghiệp là sản xuất ra sản phẩm thương hiệu Việt mang đẳng cấp quốc tế. Chính vì vậy, tập đoàn luôn tìm hiểu và lựa chọn kỹ lưỡng các đối tác nước ngoài đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, tập đoàn này có 8 nhà máy trong phạm vi trong và ngoài nước với hệ thống thiết bị dây chuyền máy móc hiện đại khép kín, nhập khẩu đồng bộ từ nước ngoài, từ đó cho ra đời những sản phẩm đa dạng. Với hệ thống 120 chi nhánh, 350 nhà phân phối cấp một và trên 12.000 điểm bán hàng trên toàn quốc cho thấy sức tiêu thụ cũng như sự tin dùng của người dân đối với các sản phẩm của tập đoàn.

Cũng là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu và uy tín trong ngành công nghiệp nhựa vật liệu xây dựng Việt Nam, từ khi thành lập, Nhựa Bình Minh đã không ngừng tìm tòi, áp dụng các yếu tố đổi mới mang tính tiến bộ vào trong các hoạt động của mình.

Theo Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Ngân, đây chính là cơ sở đảm bảo sự phát triển bền vững của công ty trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Ngoài chất lượng sản phẩm, công ty cũng tập trung việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp – một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt cho thương hiệu doanh nghiệp.

“Nhờ đó, chúng tôi tạo được môi trường ổn định, thuận lợi cho thực thi các chiến lược, xây dựng đội ngũ người lao động gắn bó, toàn tâm toàn ý vì sự phát triển của toàn công ty”, ông Ngân nhấn mạnh.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here