Business 4.0: Doanh nghiệp sống sao trong thời đại số?

0
523

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 (World Economic Forum) Davos, Industry 4.0 (Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) được lấy làm chủ đề xuyên suốt trong 4 ngày làm việc của hội nghị (từ 20-23/1), với sự tham gia của 2.500 nhà lãnh đạo các quốc gia và các tập đoàn hàng đầu trên toàn cầu.

Đây là cuộc cách mạng đang diễn ra âm thầm và ngày càng trở nên mạnh mẽ, tác động sâu sắc lên các doanh nghiệp toàn cầu. Theo đó, những doanh nghiệp không hay chậm thay đổi để theo kịp xu hướng này sẽ dần dần bị thay thế và đào thải. Trong những năm gần đây, nhiều thương hiệu lớn bị phá sản hoặc sáp nhập là minh chứng cho điều đó.

Cho đến thời điểm hiện tại, thế giới đã diễn ra ba cuộc cách mạng công nghiệp lớn. Lần thứ nhất vào năm 1785 – chứng kiến sự trỗi dậy của nước Anh khi phát minh ra động cơ hơi nước và cơ khí hóa toàn bộ nền sản xuất đương thời. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra bắt đầu từ năm 1870, khi năng lượng điện được đưa vào sử dụng mở đầu thời đại sản xuất hàng loạt. Lần thứ ba bắt đầu vào khoảng cuối thập kỷ 1960, thế giới bước vào cuộc cách mạng tự động hóa cùng với sự phát triển của máy tính.

Cụm từ “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” ra đời từ một dự án quốc gia của nước Đức nhằm xúc tiến máy tính hóa, số hóa sản xuất trong các ngành công nghiệp vào những năm đầu thập kỷ 2010, nằm trong chiến lược tổng thể phát triển công nghệ cao của quốc gia hướng tới đáp ứng nhu cầu, giải quyết thách thức và tạo thế cạnh tranh một cách bền vững cho quốc gia, doanh nghiệp, công dân Đức trong tương lai xa. Từ những tiền đề ban đầu, các nhóm làm việc được lập ra tập trung vào các chủ đề khác nhau như Nhà máy Thông minh, Môi trường, Con người – Công việc, Yếu tố công nghệ. Chương trình này làm dấy nên phong trào các nước từ cường quốc đến các nước đang phát triển khởi xướng các chương trình chiến lược quốc gia tương tự như “Industry 4.0” phù hợp với đặc thù quốc gia mình.

Điểm chung ở các quốc gia này là giới lãnh đạo nhìn thấy một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiềm ẩn đang và sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới, xã hội, con người, doanh nghiệp trong tương lai không xa, mà nếu không chuẩn bị ngay sẽ có thể lỡ mất cơ hội để tồn tại, vươn lên hay duy trì vị trí trên bản đồ kinh tế – chính trị toàn cầu, hay đáp ứng các nhu cầu hay giải quyết các vấn đề trong tương lai ngay chính tại quốc gia đó.

Có ý kiến cho là đây chỉ là sự kéo dài của Cách mạng số hay Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nhưng theo ông Klaus Schwab – Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới thì chính tốc độ, phạm vi và tác động mang tính hệ thống của một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang làm thay đổi cả chính cá nhân, xã hội, chính trị, kinh tế, doanh nghiệp trong hiện tai và tương lai. Những xu hướng, thành quả, ứng dụng công nghệ số cũng như công nghệ cao khác đã phá vỡ ranh giới giữa thế giới vật lý, thế giới ảo và thế giới sinh học.

Bao trùm lên tất cả là sự thay đổi của các doanh nghiệp qua một thời kỳ mới – thời kỳ của Business 4.0.

Business 4.0 đã làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời với sự sáng tạo mang tính hủy diệt (Disruptive Innovation). Nó thay đổi hoàn toàn cách thức doanh nghiệp tương tác với khách hàng, từ phân tích nhu cầu, tiếp thị, bán hàng, đến chăm sóc khách hàng. Nó cũng thay đổi cách thức chúng ta quản trị doanh nghiệp và làm việc hằng ngày.

Doanh nghiệp Việt Nam đang ở đâu trong xu hướng Business 4.0 trên toàn cầu? Các lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi tư duy để đón nhận sự thay đổi hay chưa? Làm sao để hiểu xu hướng phát triển thế giới? Những giải pháp nào giúp doanh nghiệp có thể áp dụng ngay để thay đổi doanh nghiệp, từ tiếp thị, bán hàng đến số hóa quản trị doanh nghiệp?…

Theo ông Phan Thanh Sơn – chuyên gia tư vấn cao cấp, nguyên Tổng giám đốc CISCO Vietnam: “Industry 4.0 được nói đến như cuộc cách mạng số diễn ra rộng lớn trong các ngành công nghiệp sản xuất. Tuy nhiên những yếu tố tạo ra Industry 4.0 đã, đang và sẽ tạo ra những thay đổi lớn mang tính cách mạng trong các mặt quan hệ, quy trình của nền kinh tế như tài chính, kinh doanh, thương mại, hệ sinh thái, chuỗi cung ứng, cung – cầu…

Ngành ngân hàng đã đề cập đến Banking 4.0, marketing đã đưa ra khái niệm Marketing 4.0, và một số nhà nghiên cứu kinh tế, doanh nghiệp tiên phong, tổ chức đã đưa ra khái niệm Business 4.0 – có mối liên hệ hai chiều chặt chẽ với Industry 4.0. Ngay chính chủ đề “Industry 4.0” được nói đến trong Diễn đàn WEF tại Davos cũng là một khái niệm mở rộng so với ý nghĩa ban đầu của “Industry 4.0”. Nhiều nước xuất phát điểm từ nước nghèo đã chớp được cơ hội để phát triển thành cường quốc kinh tế, nhiều doanh nghiệp ở các quốc gia này đã trở thành các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, hai và ba.

Nếu nhìn lại lịch sử thì cứ khoảng 100 năm lại có một loạt sự soái ngôi của doanh nghiệp và quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Trong bức tranh kinh tế toàn cầu phát triển theo các quy luật mới, cơ hội và thách thức cho danh nghiệp ở Việt Nam là bình đẳng với các doanh nghiệp ở các quốc gia khác, kể cả ở các cường quốc. Nếu hình dung được thế giới, xu hướng của tương lai, của Industry 4.0, Business 4.0 và xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn ngay từ bây giờ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thành công trong cuộc chơi của một nền kinh tế mới, nền kinh tế của Business 4.0 với các quy luật, thách thức và cơ hội hoàn toàn khác với những gì chúng ta có thể tưởng tượng được”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here