Bắt tay để tiến xa hơn

0
772

Tạo ra được một thương hiệu mạnh là chuyện khó. Xây dựng được một hệ thống phân phối rộng lại càng khó hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt luôn phải đau đầu vì hệ thống phân phối, có khi phải đập đi xây lại mấy lần mới được.

Tuy nhiên, với doanh nhân Phạm Đình Nguyên – người đã bỏ ra hơn 900.000 USD để mua Buford, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ, sau đổi tên thành PhinDeli và cho ra đời Công ty cổ phần PhinDeli tại VN (chuyên kinh doanh cà phê rang xay) – thì không cần đập, mà xây hẳn luôn từ bệ phóng của người khác: Kinh Đô.

“Nếu không tự làm được một mình thì tốt nhất bắt tay với người khác cùng làm. Đó là việc hợp tác chiến lược mà theo đó Kinh Đô sẽ nắm quyền chi phối, đồng thời chịu trách nhiệm phân phối cho các sản phẩm PhinDeli” – ông Nguyên nói về việc đã bán tỉ lệ cổ phần chi phối cho Kinh Đô.

Thật ra việc hợp tác này, trong chừng mực nào đó, cũng là xu hướng mà các chuyên gia kinh tế khuyến khích các doanh nghiệp Việt nên ngồi lại bắt tay với nhau. Nói như tổng giám đốc DNTN bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) Kao Siêu Lực: thay vì cứ phải làm tất cả thứ mình chưa mạnh thì nên hợp tác để cùng tạo ra những lợi thế cạnh tranh.

“Rất khó cho chúng tôi vừa phải lo phát triển những sản phẩm mới, vừa phải vắt óc ra những ý tưởng tiếp thị táo bạo và lại lao tâm khổ trí cho việc phân phối, mà bản thân doanh nghiệp chúng tôi lại không mạnh” – ông Nguyên thừa nhận.

Thay vì cứ phải làm tất cả thứ mình chưa mạnh thì nên hợp tác để cùng tạo ra những lợi thế cạnh tranh.

Nhưng để Kinh Đô “bắt tay” cùng PhinDeli cũng là điều khá bất ngờ. Nếu không chỉ vì quá yêu thích cách nghĩ táo bạo của ông Nguyên cho thương vụ đình đám mua Buford vừa qua, “nên đây có lẽ là lý do duy nhất khiến Kinh Đô tiếp tục kỳ vọng PhinDeli sẽ có những chiến lược tiếp theo trong kế hoạch kinh doanh của mình”, một chuyên gia trong lĩnh vực mua bán, sáp nhập nhận định.

Thực tế những vụ mua bán, sáp nhập gần đây của các tập đoàn nước ngoài như Marico của Ấn Độ mua X-Men/ICP hay Unicharm của Nhật mua lại Diana, theo các chuyên gia, cũng không ngoài mục đích nhanh chóng mở rộng kinh doanh, thêm doanh số và quan trọng hơn là sở hữu một hệ thống phân phối để đẩy hàng “riêng” của đại gia này vào.

Cú bắt tay giữa bánh ngọt Kinh Đô và cà phê đắng PhinDeli, dù thời gian sẽ trả lời về tính hiệu quả, ít ra cũng đã minh chứng cho một khái niệm mà rất ít doanh nghiệp Việt nghĩ và dùng tới: muốn đi nhanh ta có thể đi một mình, nhưng muốn đi xa thì cần có thêm bạn đường.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here