Bảo vệ thương hiệu: Đừng để mất bò vẫn chưa lo làm chuồng

0
1210

Thông tin hãng kẹo nổi tiếng nước Mỹ lệnh thu hồi sản phẩm trên 55 nước chỉ một ngày sau khi có tin phát hiện dị vật trong sản phẩm của mình đã gây chú ý toàn thế giới.

Cách thức giải quyết kể trên, một lần nữa, lại khiến nhiều người tiêu dùng Việt cảm thấy… tiếc nuối.

Thương hiệu không đơn thuần là một cái tên. Thương hiệu là tài sản vô hình nhưng mang giá trị. Giá trị đó được gây dựng trong cả một quá trình dài. Rất nhiều bài học đã được đưa ra nhưng dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh các doanh nghiệp Việt Nam.

Thông tin mới đây liên quan đến nhãn hàng trà Ô long TEA + Plus một lần nữa dấy lên bàn tán trong giới “làm thương hiệu” tại Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc này, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã có buổi làm việc với công ty Suntory PepsiCo Việt Nam và yêu cầu giải trình về hoạt chất OTPP được quảng cáo trong trà Ô long TEA + Plus. Trước đó, sau khi xuất hiện nghi vấn Trà Ô Long TEA+ Plus quảng cáo chất lượng Nhật Bản nhưng nhập nguyên liệu bột ô long từ Trung Quốc, Cục An toàn Thực phẩm cho biết đã gửi công văn tới Công ty Suntory Pepsico Việt Nam và yêu cầu công ty giải trình rõ ràng về sản phẩm Trà Ô long TEA+ Plus.

Trong văn bản báo cáo với Cục An toàn thực phẩm, Suntory Pepsico Việt Nam thừa nhận dùng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia về thương hiệu cho rằng, từ những sự việc “con ruồi nghìn tỷ”, ô mai “dính” đường hóa học… đến sự việc này càng cho thấy bài học lớn về xây dựng, bảo vệ thương hiệu.

Theo một chuyên gia kinh tế: Một thương hiệu muốn ăn sâu vào lòng công chúng, doanh nghiệp cần hàng chục năm, thậm chí nhiều chục năm mới làm được. Nhưng thời đại truyền thông số, thị trường là sân chơi phẳng chỉ cần 1 ngày, thậm chí 1 giờ sau khi xuất hiện sự cố, thương hiệu đó có thể sụp đổ ngay lập tức.

Thương hiệu không đơn thuần là một cái tên. Thương hiệu là tài sản vô hình nhưng mang giá trị. Giá trị đó được gây dựng trong cả một quá trình dài.

Chuyên gia thương hiệu Th.S Đặng Thanh Vân cho hay: Trên thực tế, các thương hiệu lớn về ngành hàng thực phẩm đồ uống, dược phẩm vẫn thường xuyên phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng truyền thông. Rất nhiều hãng lớn, tập đoàn xuyên quốc gia đã từng gặp phải vấn đề về truyền thông đối với người tiêu dùng. Ngay cả với những tập đoàn lớn, kiểm soát được an toàn thực phẩm là không dễ dàng và chỉ một sai lầm nhỏ, dù vô tình hay hữu ý có thể phá hủy cả một doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, câu chuyện dị vật của một đơn vị đồ uống hay đổ lỗi kỹ thuật sử dụng đường hóa học trong đồ ăn lại thành bài học đắt giá khi cố tình lảng tránh và đổ lỗi cho những quy trình, kỹ thuật hay công nghệ”, bà Đặng Thanh Vân nói.

Bàn về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế từng nhiều năm tham gia tư vấn thương hiệu doanh nghiệp nhấn mạnh, với một nền kinh tế thị trường hoạt động đa dạng như hiện nay, người tiêu dùng đương nhiên có nhiều cơ hội để chọn lựa cho mình những sản phẩm phù hợp nhất và theo họ là tốt nhất.

Điều đó cũng có nghĩa nhà sản xuất phải chấp nhận một cuộc cạnh tranh khắc nghiệt và luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro để xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Câu chuyện này lại đặc biệt trở nên khắc nghiệt với những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống…

“Nói cụ thể hơn thì thế này, giữa hàng chục sản phẩm thép xây dựng, sự vượt trội của loại này so với loại khác cũng khó tác động mạnh mẽ, tức thời tới tâm lý người tiêu dùng.

Nhưng với mặt hàng thực phẩm thì hoàn toàn khác, bởi nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe, đời sống mỗi người. Cũng bởi vậy, rủi ro trong cạnh tranh, xây dựng thương hiệu là rất khắc nghiệt. Chỉ một dòng ghi sai hàm lượng, người tiêu dùng sẵn sàng nghi ngờ cả nhãn hàng sản phẩm, chỉ vì dấu cặn “trên trời rơi xuống”, người tiêu dùng sẵn sàng từ bỏ thói quen tưởng như rất “son sắt”… Chuyện một thương hiệu bị đánh sập chỉ sau một sự cố như vậy không ít. Vậy phải giải quyết bài toán này ra sao? Câu trả lời luôn luôn đúng là bám sát thị trường và minh bạch với người tiêu dùng”.

Về vấn đề này, Th.s Đặng Thanh Vân đặt vấn đề: “Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao hãng bánh kẹo nổi tiếng Mỹ (Mars), sau khi một khách hàng người ở Đức phát hiện miếng nhựa nhỏ màu đỏ bên trong thanh kẹo Snickers mà anh này ăn, đã phải ngay lập tức ban hành lệnh thu hồ các sản phẩm tại 55 quốc gia.

Tại sao các hãng ô tô lớn thế giới chịu nhiều tổn thất mà vẫn ban bố lệnh thu hồi, sửa chữa các xe ô tô bị lỗi trên toàn cầu. Tại sao cuộc đấu tranh của Apple chống việc cơ quan điều tra liên bang Mỹ đòi quyền truy cập vào phần mềm chiếc điện thoại Iphone của kẻ khủng bố tại Mỹ được người dân Mỹ và người sử dụng điện thoại thế giới ủng hộ. Rõ ràng, đứng về lợi ích thị trường, khách hàng thì doanh nghiệp sẽ luôn vượt qua và giành thắng lợi”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here