Báo chí và truyền thông xã hội: Đua tranh bằng nội dung chất lượng cao

0
681

Khoảng những năm 2010-2012, có rất nhiều tranh luận trên thế giới về việc truyền thông xã hội là bạn hay là thù của báo chí, rồi về sau, các tòa soạn đều buộc phải thừa nhận rằng mạng xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược nội dung của mình.

Gần đây, truyền thông xã hội thậm chí trở thành một-phần-không-thể-tách-rời trong quy trình sản xuất của các cơ quan báo chí cũng như cá nhân các nhà báo. Không một cơ quan báo chí nào dám làm ngơ các nền tảng này, bởi chúng không chỉ giúp các tòa soạn tiếp cận nhiều độc giả hơn mà còn hỗ trợ cái gọi là “participatory journalism,” – kiểu làm báo với sự tham gia của cộng đồng, đang là xu hướng mới mà tòa soạn nào cũng phải áp dụng.

Một số chuyên gia thậm chí có quan điểm rằng do sự phát triển như vũ bão của truyền thông xã hội, các nhà báo giờ đây không phải là người phát hiện ra thông tin nữa nên họ cần phải đảm trách sứ mạng thẩm định thông tin và giải thích thông tin đó. Tác giả Margaret Simons thậm chí còn viết trên tờ The Guardian của Anh: “Các nhà báo đã trở thành những người tiếp nhận thông tin chứ không phải những người tạo ra thông tin.”

Đã xuất hiện một thuật ngữ mới và một thể loại báo chí mới: social journalism – theo đó các nhà báo sử dụng mạng xã hội để thu thập thông tin, thẩm định thông tin và phát hành thông tin. Tin nóng còn được đăng tải lên mạng xã hội trước khi xuất hiện trên website hoặc phiên bản di động của một cơ quan báo chí.

Nhiều tòa soạn thành lập riêng nhóm “biên tập viên mạng xã hội” có kỹ năng chuyên biệt để đảm trách mọi hoạt động trên các nền tảng truyền thông xã hội. “Tương tác trên mạng xã hội” cũng là 1 trong 10 kỹ năng cơ bản đối với các nhà báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số, theo tác giả Paige Levin thuộc Knight Foundation.

Mạng xã hội rõ ràng đã giúp cho việc truyền tải tin tức và thông tin trở nên vô cùng dễ dàng. Một tỷ lệ khá lớn nội dung tin tức trên truyền thông xã hội là do các cơ quan báo chí đăng tải. Báo chí truyền thống đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình để kéo người dùng tương tác. Kết quả là doanh thu từ các nền tảng kỹ thuật số của báo chí truyền thống cũng tăng lên đáng kể. Đơn cử như New York Times cho biết 35% doanh thu quảng cáo là từ digital; còn đối với Forbes, con số này lên tới mức đáng kinh ngạc là 70%.

Nội dung do công chúng tạo ra cũng tăng khủng khiếp trên mạng xã hội. Những loại nội dung như thế liên tục xuất hiện trên newsfeed – và nhiều khi chúng chẳng khác nào một nguồn tin cho công chúng. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy sự tin tưởng đối với thông tin online và thông tin trên mạng xã hội không cao cho lắm, thậm chí mang lại nhiều hoài nghi, song lượng nội dung đang được tiêu thụ và chia sẻ ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt.

Theo cơ quan nghiên cứu Pew Research, gần 40% người Mỹ cho biết họ nắm bắt thông tin qua Facebook. Cũng theo nghiên cứu này, thực hiện tại 38 quốc gia, có tới 81% người Việt Nam từ 18 đến 29 tuổi hằng ngày sử dụng truyền thông xã hội để đọc tin tức, trong khi tỷ lệ này chỉ là 3% đối với người từ 50 tuổi trở lên. Những người sử dụng mạng xã hội rất dễ dàng chia sẻ cũng như tạo ra nội dung của riêng mình.

Một báo cáo của Columbia Journalism Review khẳng định: “Truyền thông xã hội không chỉ nuốt chửng báo chí mà nó còn nuốt chửng tất cả mọi thứ. Nó nuốt chửng các chiến dịch vận động chính trị, các hệ thống ngân hàng, ngành giải trí, bán lẻ, thậm chí cả chính quyền và an ninh. Chiếc điện thoại trong túi mỗi người chúng ta chính là cánh cửa đi ra thế giới.”

Rõ ràng truyền thông xã hội đang mang lại nhiều lợi ích cho các tòa soạn. Ngay cả các cơ quan báo chí nhỏ giờ đây có thể cạnh tranh bình đẳng với các hãng tin lâu năm nếu họ biết tận dụng mạng xã hội. Truyền thông xã hội cũng tạo ra các cuộc trao đổi và đối thoại đa chiều giữa tòa soạn, các nhà báo và độc giả. Nhiều khi các bình luận của người dùng đã giúp phóng viên tìm ra những góc cạnh mới cho bài viết của họ. Nội dung do người dùng khởi tạo cũng đã trở thành phần đóng góp ý nghĩa đối với nhiều trang tin tức online.

Tuy nhiên, trong khi truyền thông xã hội tạo ra một cuộc cách mạng tác động mạnh đến bức tranh báo chí toàn cảnh, nó cũng dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực. Để chạy đua với mạng xã hội, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí dường như không được kỹ càng như cái thời của báo in và đáng buồn thay, nhiều khi được thay thế bằng sự kiểm chứng của đám đông, nhiều tòa soạn cũng như các nhà báo đang áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng trước, sửa sau nếu cần thiết.” Có những trường hợp mà chính báo chí, và kể cả các cơ quan chức năng, bị cuốn theo áp lực trên mạng xã hội dù rằng ai cũng hiểu không phải lúc nào số đông cũng có ý kiến đúng.

Cũng như những người dùng thông thường, mạng xã hội làm cho các nhà báo mất quá nhiều thời gian mỗi ngày. Nhưng điều đáng ngại hơn là ngày càng nhiều nhà báo phụ thuộc vào mạng xã hội để nắm thông tin chứ không ra tận hiện trường để chứng kiến tận mắt như đòi hỏi trong báo chí chuyên nghiệp. Đã có nhiều trường hợp mà phóng viên chỉ cắt dán dòng trạng thái của người nổi tiếng hoặc thậm chí sử dụng cả những nguồn tin không tin cậy, rồi biến thành bài báo mà rốt cục được chứng minh là hoàn toàn sai sự thật.

Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không hề được kiểm chứng và không đảm bảo tính công bằng và cân bằng – giá trị cốt lõi của báo chí. Tin giả trên mạng xã hội đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến cho niềm tin đối với báo chí, cả trên thế giới và ở Việt Nam, rơi xuống mức thấp chưa từng thấy. Nhiều chuyên gia bày tỏ quan ngại rằng truyền thông xã hội, một mặt giúp nâng hiệu suất làm việc của các nhà báo, nhưng mặt khác đang làm xói mòn những giá trị báo chí truyền thống.

Vì người tiêu dùng đang trực tiếp kiểm soát newsfeed trên mạng xã hội mà họ tham gia, vô tình họ tự hạn chế loại thông tin mà họ có thể nhìn thấy – điều có thể dẫn đến tình trạng phân cực, kể cả về quan điểm chính trị và xã hội.

Tờ Columbia Journalism Review nhận xét, “Con người giờ đây tiếp nhận tin tức pha trộn với tin đồn, ý kiến cá nhân, chuyện giật gân và nội dung được tài trợ, từ rất nhiều nguồn nhưng thường thông qua một nền tảng duy nhất – chủ yếu là các mạng xã hội, vốn có xu hướng quy tụ những người có cùng quan điểm lại với nhau.” Các nhà báo, cũng là những người sử dụng mạng xã hội, rất dễ rơi vào cái “bong bóng lọc” này và nếu không tỉnh táo, họ sẽ trở nên thiên kiến trong bài viết của mình.

Truyền thông xã hội đang tạo ra một sân chơi mới, nơi thuật toán mới là yếu tố quyết định nội dung nào được cung cấp cho ai, nơi công nghệ dẫn dắt người dùng, nơi mà để đổi lại những thuận lợi trong việc kết nối xã hội và chia sẻ thì con người tự chấp nhận cung cấp thông tin cá bản thân, đóng góp nội dung trong khi các nền tảng thì thu tiền. Đó là cuộc chơi mà báo chí không có cơ hội để tranh đua nếu không giữ vững thế mạnh của mình là nội dung chất lượng và chuyên nghiệp.

Trong xu hướng của báo chí thế giới hiện nay, các nhà xuất bản tin tức không còn chạy đua tìm kiếm lượng truy cập hay số lượng người dùng nữa bởi họ biết số lượng không tỷ lệ thuận với nguồn thu. Những cơ quan báo chí thành công là những cơ quan biết xây dựng một lực lượng độc giả trung thành, thậm chí cao hơn là xây dựng được một cộng đồng xung quanh tờ báo đó. Trước đây nguồn thu quảng cáo chiếm tới trên 80% doanh thu của một tờ báo, nay rất nhiều tờ báo đặt ra chiến lược kiếm tiền từ độc giả. Đương nhiên, muốn độc giả móc hầu bao thì nội dung bài báo phải giá trị.

Và quan trọng hơn, nội dung chuyên nghiệp là cách thức bền vững để giành lại niềm tin của độc giả, giúp cho báo chí không chỉ tồn tại mà phát triển mạnh mẽ hơn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here