Bán bớt vốn bia Sài Gòn, tiền không phải là tất cả

0
1223

Bán bớt vốn của doanh nghiệp nhà nước không chỉ nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn phải giữ thị trường trong nước, đặc biệt là thương hiệu Việt.

Bán bớt vốn của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Công ty bia Sài Gòn (bán bớt vốn Bia Sài Gòn thu 1 tỉ USD), không chỉ nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp, tăng nguồn thu cho ngân sách mà còn phải giữ thị trường trong nước, đặc biệt là thương hiệu Việt.

Chính phủ đã có chủ trương đẩy nhanh việc bán vốn tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và một số doanh nghiệp nhà nước khác. Bán cho ai, mức giá nào, những thương hiệu Việt có tiếng sau này sẽ ra sao là vấn đề thu hút người dân và giới đầu tư.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Đăng Tuất – chủ tịch HĐQT Sabeco – nói:

Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công thương đã lập ban chỉ đạo (BCĐ) thoái phần vốn nhà nước (tỉ lệ vốn nhà nước vẫn còn gần 90%) tại Sabeco do một thứ trưởng phụ trách. Một trong những vướng mắc lớn hiện nay là các văn bản chuyên biệt để hướng dẫn việc bán tiếp phần vốn nhà nước tại các công ty đã cổ phần hóa chưa đầy đủ. Mà muốn làm được như vậy, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ có những hướng dẫn riêng để thực hiện.

* Hiện có thông tin rằng Sabeco sẽ được bán một lần để giảm vốn do Nhà nước nắm giữ từ 90% xuống 36%, hoặc chia làm hai giai đoạn rồi mới bán xuống dưới 40%, đâu là thông tin chính xác, thưa ông?

BCĐ Bộ Công thương đề xuất hai phương án, nhưng cũng đề nghị chỉ bán một lần, từ 89% xuống 36% trong năm 2015. Bởi làm như vậy sẽ nhanh hơn, đỡ phải hai lần làm quy trình, thủ tục. Hơn nữa, theo quyết định phân loại của Chính phủ, Sabeco không thuộc diện Nhà nước phải giữ vốn. Và đến năm 2018, theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tỉ lệ còn lại chắc cũng sẽ không còn.

Quan điểm của tôi là cần bán nhanh, bán sớm tỉ lệ phần vốn nhà nước tại Sabeco, dù vẫn còn nhiều lao động tại Sabeco muốn giữ hiện trạng như đang có, ngại thay đổi.

Ngay bản thân tôi cũng được lợi nhiều thứ hơn từ mô hình hiện tại, như vị thế cá nhân, cùng các ưu đãi khác. Nhưng từ sâu thẳm tôi lại thấy rằng nếu cứ tiếp tục để cơ chế hoạt động như hiện nay thì sức cạnh tranh ngày càng suy giảm. Và tôi không muốn thương hiệu Bia Sài Gòn lại bị thất thế ngay trên sân nhà.

Tôi ví dụ một chuyện nhỏ như thế này: có một cơn lốc đi qua và làm rớt bảng quảng cáo của Sabeco. Phải mất hai tháng sau công ty mới lắp lại được vì phải làm một loạt quy trình: từ xác minh cho đến thương thảo, đấu thầu, ký hợp đồng, lắp đặt và kèm theo đó là một bộ hồ sơ dày cộp phục vụ cho thủ tục thanh toán.

Trong khi đó, có thể doanh nghiệp nước ngoài chỉ mất hai ngày là xong vì họ có sự phân cấp trách nhiệm rõ ràng cho từng loại hình nhân viên được quyền thực hiện điều gì, với các thủ tục đơn giản hơn.

Còn Sabeco, mặc dù đã cổ phần hóa từ năm 2007, nhưng tỉ lệ phần vốn nhà nước vẫn chiếm gần 90%. Điều này có nghĩa Sabeco vẫn là doanh nghiệp nhà nước cho đến khi Luật doanh nghiệp (mới) có hiệu lực từ tháng 7-2015.

Theo đó, các quy định về đầu tư, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ, tiền lương… đều còn rất nhiều ràng buộc. Chẳng hạn, Sabeco không thể thuê lao động chất lượng cao với mức giá 3.000 – 5.000 USD/tháng, điều mà các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước không bị ràng buộc.

Bán một phần thu về hơn 1 tỉ USD

Ban chỉ đạo thoái vốn phần thuộc sở hữu nhà nước tại Sabeco đề xuất hai phương án, nhưng đề nghị chỉ bán một lần từ khoảng 90% vốn điều lệ xuống còn 36% và trình Chính phủ phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Trên cơ sở đó, tổ chức mời công khai các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư đủ tiêu chí sẽ tham gia đấu giá công khai theo quy định, giá khởi điểm bằng giá IPO năm 2007 (khoảng 70.000 đồng/cổ phần).

Nguồn tiền bán Sabeco ước tính khoảng 1 tỉ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước.

* Trong các thương vụ mua bán, yếu tố “bán được giá” thường được xem là một trong những tiêu chí đầu tiên. Với Sabeco, đâu là tiêu chí quan trọng nhất? Mức giá, theo ông, sẽ là bao nhiêu để không bị xem là rẻ?

Tôi được biết trên sàn giao dịch OTC, Sabeco giao dịch khoảng 60.000 – 65.000 đồng/cổ phiếu. Cũng có những nhà đầu tư họ chào giá cao hơn, thậm chí đến 75.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, các giao dịch này ở quy mô nhỏ, theo đuổi các mục đích khác nhau, nên không có cơ sở để làm đại diện cho giá bán cổ phần vốn nhà nước tại Sabeco với quy mô lớn.

Nhưng điều này cũng chính là áp lực cho chính BCĐ, thậm chí cho cả Chính phủ trước các ý kiến đặt vấn đề là liệu Sabeco có đang cố tình bán giá thấp không?

Tôi cho rằng với tình hình kinh tế hiện nay, với giá bán cổ phần lần đầu tiên ra công chúng cách đây bảy năm, khoảng 70.000 đồng/cổ phiếu, là cao, không hấp dẫn về mặt lợi tức cho các cổ đông hiện hữu nếu so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Bởi cổ tức Sabeco đang chia là 23% trong năm 2014, với mức giá “bảy chấm” thì lợi tức trên mỗi cổ phiếu chỉ là 3,2%/năm.

Điều đáng nói là mục tiêu của nhà đầu tư vào Sabeco có thể là rất khác nhau. Có người sẵn sàng trả giá cao hơn để kỳ vọng lợi ích trong dài hạn. Nhưng vì sao thị trường lại “đẩy” giá Sabeco lên quá cao so với thực tế như vậy? Tôi cho rằng điều này nằm ở câu chuyện người đi mua, hay nói cách khác là mục tiêu của những người đang muốn nhảy vào mua Sabeco là khác nhau. Chính điều này sẽ gây không ít khó khăn khi các giá bị “neo”, bị “thổi” của những người mua với mục tiêu khác sẽ làm lu mờ chủ đích của những người muốn mua thật.

* Ý ông đang muốn nói tới việc một loạt hãng sản xuất bia nước ngoài đặt vấn đề mua Sabeco, nghe đâu lên mức “tám chấm” thời gian gần đây?

Giá trị thật sự của Sabeco không phải chỉ nằm ở khía cạnh giá trị tài chính, mà thực chất nằm ở phân khúc thị trường to lớn, đầy tiềm năng mà Sabeco đang nắm giữ. Nếu nhìn dưới lăng kính của một nhà đầu tư dài hạn, tôi cho điều này cũng hợp lý. Nhưng nhà đầu tư đó là ai, trong hay ngoài nước, mới là điều đáng bàn tiếp.

Các hãng bia nước ngoài thì “mê” Bia Sài Gòn vô cùng. Tôi cũng không biết họ “mê” chúng tôi là vì thương hiệu, mong muốn phát triển thương hiệu của chúng tôi để sánh ngang tầm với các thương hiệu bia nổi tiếng thế giới mà họ đang sở hữu, hay mê cái thị trường và độ mở tiềm năng mà tôi vừa nói đến, nhằm biến những người đang uống bia Sài Gòn nói riêng, bia Việt nói chung, sang uống bia thương hiệu khác. Mà điều này tôi cho là nguy hiểm, và cần phải nghiêm túc tính đến.

* Bia Sài Gòn hiện chiếm khoảng 40% thị phần sản lượng, trong khi đó thị phần giá trị chỉ khoảng 30%. Điều đó có nghĩa Bia Sài Gòn thuộc phân khúc trung bình, với lợi tức thấp?

Nếu một hãng bia thương hiệu lớn của thế giới ở phân khúc cao mua được cổ phần chi phối của Bia Sài Gòn thì họ sẽ thúc đẩy thương hiệu chính của họ, hơn là việc phát triển thương hiệu Bia Sài Gòn.

Vì một mặt, thương hiệu của họ có tỉ lệ lợi nhuận cao hơn (giá bán sản phẩm cao hơn), mặt khác họ cũng chẳng dại gì bỏ chi phí để khuếch trương thương hiệu Bia Sài Gòn, vốn có một tỉ lệ lợi nhuận thấp hơn, để cạnh tranh ngay chính thương hiệu đang mang lại lợi tức cao hơn cho họ. Và như vậy, theo tôi, thương hiệu Bia Sài Gòn sẽ có nguy cơ mất dần.

Đó là chưa kể xét về mặt lợi ích quốc gia, nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chuyển lợi nhuận thu được ra nước ngoài, hoặc chuyển giá, làm giảm nguồn thu ngân sách quốc gia. Cho nên, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ở mức giá cao hơn có thể chỉ là khoản lợi trước mắt, mà về lâu dài chưa chắc đã như vậy.

Trong khi đó, nếu bán cho nhà đầu tư trong nước có thể mức giá không cao bằng, nhưng sẽ loại bỏ được các e ngại nói trên. Thương hiệu Bia Sài Gòn vẫn thuộc về người Việt. Chưa kể, cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” chỉ thực tế đi vào đời sống khi mà người VN đầu tư vào các doanh nghiệp nội địa.

* Như vậy có thể hiểu ông đang ủng hộ quan điểm nhà đầu tư chiến lược của Sabeco là doanh nghiệp trong nước?

Đúng vậy. Tôi khẳng định thêm nếu một thương hiệu bia ngoại nào trở thành cổ đông chi phối Sabeco, họ sẽ chẳng phát triển thương hiệu Bia Sài Gòn để làm gì vì như tôi đã nói, Bia Sài Gòn có tỉ suất lợi nhuận thấp, sản phẩm ở mức trung cấp trở xuống, trong khi sản phẩm thương hiệu ngoại hầu hết đều ở dòng cao cấp.

Thậm chí, để cạnh tranh với sản phẩm trung cấp của Sabeco, có hãng bia ngoại cũng đã đầu tư các thương hiệu ngoại khác để cạnh tranh trực tiếp với Sabeco.

Tôi vẫn chưa quên thương hiệu bia Sông Hàn đã mất hút trên thị trường sau khi được một thương hiệu nước ngoài mua, và doanh nghiệp này cũng kịp tung ra một sản phẩm có phân khúc tương tự như Sông Hàn, nhưng tất nhiên là bằng thương hiệu của chính họ xây dựng nên.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here