Bài học ngoại thương “kiểu Thái”

0
710

Chính phủ Thái Lan đã có một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước lân cận. Bên cạnh đó là sự tự thân vận động của chính các doanh nghiệp Thái.

Không chỉ chú trọng đến xúc tiến thương mại, một trong những yếu tố tác động tích cực đến giao thương của Thái Lan là các cơ quan quản lý tạo dựng được nền tảng thuận lợi để kêu gọi các nhà đầu tư lớn và giúp giới doanh nghiệp không ngừng mở rộng kinh doanh tại thị trường khu vực ASEAN. Cách làm của chính phủ cũng như doanh nghiệp Thái Lan là những điền cứu hữu ích cho Việt Nam.

Khai thông thị trường

Triển lãm thường niên Thương hiệu hàng đầu Thái Lan 2017 (Top Thai Brands 2017) do Thương vụ Thái Lan tại TP.HCM tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa rồi tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) cho thấy sức hút của thị trường Việt Nam đối với doanh nghiệp Thái. Có đến 154 doanh nghiệp các ngành hàng thực phẩm, đồ uống đóng gói, thời trang, đồ gia dụng, phụ tùng, phụ kiện ô tô, xe máy, mỹ phẩm, sản phẩm dành cho thú cưng, du lịch, tư vấn về giáo dục, nhượng quyền thương hiệu của Thái tham gia triển lãm. Điều đáng nói là gần như hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều muốn mở rộng hợp tác với các đối tác Việt Nam.

Bà Pitinun Samanvorawong – Lãnh sự Thương mại Thái Lan tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Thái Lan muốn quảng bá thương hiệu Thái sâu rộng hơn nữa với người tiêu dùng Việt Nam.

Cũng theo bà Pitinun Samanvorawong, để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường các nước lân cận, Chính phủ Thái Lan đã có một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực, đẩy mạnh xuất khẩu. Tất nhiên bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ còn có sự tự thân vận động của chính các doanh nghiệp Thái.

Bà Pitinun Samanvorawong cho rằng, nhân tố chính để sản phẩm Thái phổ biến ở thị trường Việt Nam là do chất lượng đảm bảo. “Nếu sản phẩm của các doanh nghiệp Thái Lan không có chất lượng tốt thì dù có làm truyền thông tốt đến đâu cũng khó được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận”.

Vì vậy, bên cạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại từ các cơ quan, ban ngành, các doanh nghiệp Thái phải nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tự xúc tiến và quảng bá cho những sản phẩm của riêng mình.

Hiện tại, sản phẩm của Thái có mặt từ các siêu thị, đại lý, cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan đến các sạp hàng trong các chợ truyền thống, cửa hàng trực tuyến… Ngay tại triển lãm Top Thai Brands 2017, trong buổi sáng khai mạc, nhiều gian hàng mặc dù chưa xong khâu trưng bày nhưng đã thu hút rất đông khách là các doanh nghiệp kinh doanh của Việt Nam.

Ông Adisai Prasertsri – Giám đốc Công ty Cơ hội và Thách thức (Chance and Challenge Co., Ltd) – một công ty chuyên cung cấp các mặt hàng thực phẩm và mỹ phẩm tại Việt Nam cho biết, sức mua hàng Thái của người tiêu dùng Việt rất cao. Những năm qua, Công ty tăng trưởng bình quân 25%/năm.

Lý giải cho việc tăng trưởng, ông Adisai Prasertsri cho rằng, những năm gần đây, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng cao nên người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm tốt hơn, đặc biệt là các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN thành lập càng tạo điều kiện cho hàng Thái thâm nhập sâu rộng hơn vào việt Nam. Đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trong đợt này, Công ty nhập về nhiều sản phẩm mới như sữa đậu nành, mỹ phẩm.

Không chỉ thông qua các công ty Thái, nhiều sản phẩm “made in Thailand” còn du nhập vào thị trường Việt Nam thông qua việc “bắt tay” với doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn, hồi tháng 4 rồi, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Thiên Bảo đã trở thành nhà phân phối độc quyền nước tăng lực Carabao (thuộc Carabao Group, một trong những tập đoàn sản xuất đồ uống hàng đầu của Thái Lan).

Báo cáo thường niên năm 2016 của Carabao Group cho thấy mục tiêu của tập đoàn này là trở thành đơn vị dẫn đầu ngành nước tăng lực không chỉ ở Thái Lan mà cả ở Campuchia, Lào, Việt Nam, Myanmar. Kỳ vọng của doanh nghiệp này là trong thời gian tới sẽ chiếm lĩnh 20% thị phần nước tăng lực tại Việt Nam – thị trường đang có khoảng 20 thương hiệu cùng ngành, trong đó phải kể đến Red Bull – thương hiệu nước tăng lực cũng đến từ Thái và đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam.

Đánh giá về thị trường Việt Nam, bà Pitinun Samanvorawong cho rằng, thị trường 92 triệu dân này vẫn đang trên đà phát triển và là mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp khai thác. Thông qua triển lãm Top Thai Brands 2017, rất nhiều doanh nghiệp Thái Lan mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đưa hàng hóa vào kinh doanh.

Đã có hơn 1.500 cuộc làm việc giữa doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam trong thời gian triển lãm. Đây là hình thức kết nối hiệu quả nhất giữa doanh nghiệp 2 nước trong việc tìm kiếm đại lý, nhà phân phối, mua bán, nhượng quyền thương hiệu.

Hậu thuẫn từ nhà phân phối

Việc hàng Thái Lan trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam một phần phải kể đến sự hậu thuẫn từ các nhà phân phối Thái tại thị trường Việt Nam, thông qua những chiến dịch rất bài bản. Các tập đoàn bán lẻ Thái đã từng bước thâm nhập thị trường Việt Nam thông qua các thương vụ M&A, như BJC mua 19 trung tâm Metro và đổi tên thành MM Mega Market Việt Nam. Công ty này cũng đồng thời với việc sở hữu cổ phần của FamilyMart trong liên doanh với Công ty Phú Thái, sau đó đổi tên thành Bsmart.

Trong khi đó, Central Group mua hệ thống 34 siêu thị Big C tại Việt Nam, gần 50% cổ phần của Nguyễn Kim song song với việc thâu tóm mạng bán lẻ Zalora Việt Nam. Ở lĩnh vực điện máy, Nguyễn Kim là một trong những tên tuổi lớn khi sở hữu đến 24 trung tâm tại các thành phố lớn. Robins – một thương hiệu bán lẻ khác của Central Group cũng đã có mặt ở Việt Nam bằng 2 trung tâm thương mại tại TP.HCM và Hà Nội.

Năm 2016, Cục Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã ký kết với các doanh nghiệp lớn của Thái Lan để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này. Theo đó, một số thương hiệu lớn như BJC, SCG… chịu trách nhiệm cung cấp thông tin, đầu mối kết nối với các thị trường, giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa hàng ra các nước, trong khi các doanh nghiệp lớn có thêm những nhà cung cấp mới.

Với chính sách doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp mà Chính phủ Thái Lan đưa ra càng thuận lợi cho hàng Thái thâm nhập Việt Nam. Như trường hợp của Robins, dù là đơn vị phân phối nhưng tại triển lãm Top Thai Brands 2017, nhà bán lẻ này đã tham gia một gian hàng khá lớn.

Ông Phoom Chirathivat – Giám đốc Trung tâm Robins và các thương hiệu quốc tế cho biết, đây là cách quảng bá hơn nữa thương hiệu Robins đến người tiêu dùng Việt Nam. Robins cũng đồng thời giới thiệu những sản phẩm của các doanh nghiệp Thái, trong đó đặc biệt là việc quảng bá cho những thương hiệu chưa có mặt tại Việt Nam.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here