Apple muốn gì khi định đầu tư 1 tỉ USD vào Việt Nam?

0
574

Liệu các doanh nghiệp trong nước có thực sự được hưởng lợi gì từ trung tâm gắn mác R&D của Apple tại Việt Nam?

Cái tên “Việt Nam” đang ngày càng trở thành tâm điểm của làng công nghệ thế giới. Theo chân những tên tuổi lớn như Samsung, Microsoft hay Intel, mới đây, hãng sản xuất điện thoại thông minh nổi tiếng thế giới là Apple (Mỹ) cho biết sẽ đầu tư dự án trị giá 1 tỉ USD tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Mục tiêu của dự án chưa được xác định, nhưng Apple cho biết trung tâm này sẽ phục vụ các công đoạn nghiên cứu R&D để phục vụ cho toàn châu Á. Trong khu vực, Apple cũng đã có những trung tâm R&D tại Trung Quốc, Đài Loan và Nhật, đồng thời chuẩn bị khai trương một trung tâm mới tại Ấn Độ.

Cuối năm ngoái, Apple từng làm “dậy sóng” thị trường điện tử Việt Nam khi thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Apple Vietnam tại TP.HCM. Khác với dự án 1 tỉ USD trên, có lẽ mục tiêu thành lập công ty này chỉ đơn thuần về thương mại, nghĩa là đảm nhận vai trò phân phối trực tiếp các sản phẩm máy tính bảng, điện thoại thông minh của Apple tại Việt Nam mà không cần thông qua các đơn vị trung gian khác.

Thực tế, Việt Nam là thị trường trọng điểm của các hãng kinh doanh điện thoại bởi quy mô thị trường lớn và năng động. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu công nghệ quốc tế IDC, năm 2014, có 28,7 triệu chiếc điện thoại di động được phân phối tại Việt Nam, tăng 13% so với năm trước đó. Phân khúc điện thoại thông minh ghi nhận mức tiêu thụ 11,6 triệu chiếc, tăng 57% so với năm 2013.

Tính đến nay, hầu hết dự án của các tập đoàn công nghệ tại Việt Nam đều là những dự án khủng. Giá trị đầu tư của Samsung có tổng giá trị gần 10 tỉ USD, Intel đầu tư 1 tỉ USD hay Tập đoàn LG đang triển khai dự án 1,5 tỉ USD tại Hải Phòng. Những dự án này không những đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu điện tử hàng đầu thế giới.

Nếu Apple có mặt tại Việt Nam, đó sẽ là tín hiệu rất tốt để lôi kéo các doanh nghiệp ngành phụ trợ chọn Việt Nam làm đại bản doanh và ngành công nghệ trong nước sẽ có cơ hội tiếp thu tinh hoa thế giới. Người tiêu dùng cũng có cơ hội sở hữu những sản phẩm công nghệ xuất sắc của Apple với những đặc tính phù hợp hơn với người Việt. Trước Apple, Samsung cho biết đã triển khai dự án Nghiên cứu và Phát triển Điện thoại di động (SVMC) đặt tại Hà Nội và tuyên bố đây là trung tâm R&D lớn nhất của hãng tại ASEAN.

Theo IDC, năm 2014, có 28,7 triệu chiếc điện thoại di động được phân phối tại Việt Nam, tăng 13% so với năm trước đó. Phân khúc điện thoại thông minh ghi nhận mức tiêu thụ 11,6 triệu chiếc, tăng 57% so với năm 2013.

Tất nhiên, những điểm sáng nói trên hiện chỉ mới dừng lại ở mức độ lý thuyết. Chưa rõ Apple sẽ triển khai công đoạn nghiên cứu gì tại Việt Nam? Và liệu các doanh nghiệp trong nước có được hưởng lợi gì từ gã khổng lồ này? Bởi R&D không phải là chuyện đơn giản cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Theo nghiên cứu của nhà sáng lập hãng điện tử Acer, ông Stan Shih, R&D là công đoạn phức tạp nhất và mang lại giá trị gia tăng nhiều nhất cho các hãng sản xuất, cao hơn cả công đoạn làm thương hiệu và thiết kế. Công đoạn mang lại giá trị gia tăng thấp nhất là chính là lắp ráp.

Đối với Apple, mặc dù hãng này thành lập khá nhiều trung tâm gọi là R&D trên thế giới, nhưng đầu não quan trọng nhất vẫn nằm ở trung tâm R&D tại California (Mỹ), nơi hội tụ nhiều tinh hoa công nghệ thế giới với những kỹ năng và kiến thức chuyên sâu. Còn công đoạn lắp ráp được thực hiện ở Brazil hay Trung Quốc.

Do đó, chúng ta chưa biết trung tâm gắn mác R&D của Apple thành lập tại Việt Nam sẽ đảm nhận công việc nghiên cứu gì? Và liệu các hoạt động như thế có mang lại giá trị gia tăng cao hay không? Hay chỉ là trung tâm quản lý chuỗi cung ứng của Apple tại Việt Nam và cho khu vực Đông Nam Á?

Năm ngoái, Apple cũng có động thái tương tự khi thành lập trung tâm R&D tại quốc gia láng giềng của Việt Nam là Indonesia. Nhưng để phòng ngừa các doanh nghiệp trong nước không học được gì từ ông lớn này, chính phủ Indonesia yêu cầu Apple từ năm 2017 sẽ phải dùng ít nhất 30% yếu tố cấu tạo chiếc điện thoại thông minh do doanh nghiệp nội cung ứng. Nếu không sẽ không cho bán sản phẩm của Apple tại Indonesia.

Những yếu tố này có thể là phần cứng, phần mềm hay các công đoạn nghiên cứu phát triển. Apple sau đó đã chấp thuận yêu cầu bởi Indonesia là một thị trường quan trọng tại Đông Nam Á với giá trị nhập khẩu các loại điện thoại thông minh hằng năm lên đến 5 tỉ USD. Đây rõ ràng có thể là cách làm mà Việt Nam nên học hỏi.

Nhưng trước Apple, Samsung cũng là một bài học đáng giá. Sau gần 7 năm hoạt động tại Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp Việt làm vệ tinh cho Samsung chỉ đếm trên đầu ngón tay, và chỉ tập trung ở các sản phẩm đơn giản nhất là bao bì sản phẩm, đóng gói và khuôn mẫu. Thành tích trở thành quốc gia xuất khẩu điện thoại hàng đầu thế giới, vì thế, chưa chắc mang lại nhiều niềm vui cho cộng đồng doanh nghiệp nội.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here