6 điều có thể bạn chưa biết về sport marketing

0
634

Trong nghiên cứu vào năm 2016 của hệ thống SocialBeat về các xu hướng thảo luận nổi bật nhất trên mạng xã hội, chủ đề “Thể thao” xếp thứ hai với 18% thị phần thảo luận, chỉ đứng sau “Âm Nhạc” với 20%. Thêm nữa, hàng loạt sự kiện thể thao nóng bỏng như U23, World Cup 2018, bản quyền Ngoại Hạng Anh và Champions League đã “làm nóng” mạng xã hội Việt Nam những ngày qua hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, độ nóng của lĩnh vực thể thao chỉ dừng lại ở việc bàn luận trên các mạng xã hội, việc khai thác và phân tích kĩ cũng như đầu tư vào một hướng đi tiềm năng – sport marketing lại ít được bàn đến. Dưới đây, Brands Vietnam tổng hợp lại 6 điều có thể bạn chưa biết về sport marketing.

1. Có thể bạn chưa biết: Những con số khủng về nội dung thể thao toàn cầu

Media Partner Asia là công ty tư vấn, nghiên cứu và phân tích về truyền thông và viễn thông khu vực châu Á Thái Bình Dương. Vào đầu năm 2018 công ty này đã công bố một bản báo cáo về giá trị Bản quyền truyền thông nội dung thể thao(1) tại châu Á – Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc). Theo đó, tổng giá trị bản quyền phát sóng thể thao đã đạt mức 5 tỉ USD, tăng 22% so với năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong mùa World Cup năm nay tổng số tiền tài trợ cho mùa giải là 1,6 tỉ USD(2), cho thấy sự đầu tư mạnh dạn của các thương hiệu vào giải đấu lớn nhất hành tinh. Thêm nữa, những số liệu về lượng người xem trong 2 mùa World Cup gần đây cho thấy sự kiện thể thao là mảnh đất màu mỡ cho thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng một cách tự nhiên nhất. Cụ thể trong dịp World Cup 2014 tại Brazil đã có 3,4 triệu người đến đất nước này chỉ để xem các trận đấu, 18,2 triệu lượt xem trên kênh ESPN. Năm nay, World Cup tại Nga đã thu hút 2,4 triệu người đến xem trực tiếp. Nổi bật nhất là trận đấu giữa Mexico – Thụy Điển và Hàn Quốc – Đức vào ngày 27/6/2018 đã thu hút 9,7 triệu lượt xem trực tuyến.

Tổng giá trị bản quyền phát sóng thể thao đã đạt mức 5 tỉ USD, tăng 22% so với năm ngoái.

2. Có thể bạn chưa biết: Hào quang U23, V-League và thể thao Việt Nam trở thành đối tượng tiềm năng của các thương hiệu

Xưa nay vẫn vậy, bóng đá là môn thể thao vua trong lòng người dân Việt Nam. Tình yêu và niềm tin cho bóng đá nước nhà lại một lần nữa được cháy lên sau kì tích của đội tuyển U23 Việt Nam tại AFC 2018. Sau màn thể hiện xuất sắc, giá trị của các cầu thủ U23 Việt Nam và toàn đội tăng vọt. Các hợp đồng quảng cáo tìm đến và hình ảnh các cầu thủ như Bùi Tiến Dũng (Shopee), Lương Xuân Trường (Revive, Pepsi), Hà Đức Chinh (Samsung, Tiki), HLV Park Hang-seo (Samsung, K-food) xuất hiện trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng.

Niềm tin vào bóng đá được vực dậy, sự chú ý của người hâm mộ dành cho giải bóng đá cấp quốc gia V-League cũng có dấu hiệu đáng mừng khi 717.200 khán giả(3) đã đến xem trực tiếp 91 trận đấu của mùa V-League năm nay. Bên cạnh đó, kênh Youtube chính thức của VPF(4) có tổng cộng 143.000 subscriber, tổng số lượt xem trên kênh là 74 triệu lượt xem (tính đến 2017). Từ năm 2018, Nutifood sẽ trở thành đối tác tài trợ chính thức cho 3 mùa giải 2018 – 2020. Tuy con số tài trợ chưa được công bố nhưng các chuyên gia dự đoán sẽ cao hơn mức 40 tỷ đồng / năm của Toyota trước đây. Với khoản tài trợ khủng như vậy, có thể tạm kết luận rằng các thương hiệu dần quan tâm đến thị trường sport marketing tại Việt Nam, tuy con số chưa nhiều nhưng cũng được xem là dấu hiệu khả quan.

3. Có thể bạn chưa biết: Các giải pháp quảng bá thương hiệu sáng tạo thông qua nội dung thể thao

Quảng cáo trên các nội dung thể thao không chỉ gói gọn trong các TVC được phát lúc đầu cuối trận đấu hay nghỉ giữa 2 hiệp, mà còn có các cách thức khác giúp thương hiệu tiếp cận với người dùng theo phóng cách mới mẻ và tự nhiên hơn, ví dụ như logo 2D đặt tại vòng tròn trung tâm ngay trước tiếng còi khai cuộc, hay hiệu ứng 3D và Squeezzing làm nổi bật quảng cáo của thương hiệu nhưng không làm ngắt ngang diễn biến trận đấu.

Hoặc bạn cũng có thể chèn logo vào các bảng điện tử chạy dọc sân (digital billboard) trong các trận đấu ở giải La Liga, như ví dụ của thương hiệu My Kolor. Phương pháp này có thể được triển khai là do phía nhà đài K+ có bản quyền truyền thông giải La Liga.

4. Bạn có biết: Sức nóng của giải Ngoại hạng Anh (EPL) và cuộc chiến bản quyền phát sóng

Vốn là một trong những giải đấu nóng nhất hành tinh, mỗi mùa giải đều thu hút hàng triệu người xem toàn cầu, cuộc chiến giành bản quyền phát sóng giải đấu có thể dùng từ “khốc liệt” để hình dung.

So với các chương trình giải trí khác tại Việt Nam như “The Voice”, “The Face”, “Phiên bản hoàn hảo”, “Bạn muốn hẹn hò” thì giải Ngoại hạng Anh đứng nhất về độ phổ biến đối với người dân Việt với 286.678 lượt nhắc đến vào năm 2017 (theo Buzzmetrics, 2017). Con số này khẳng định độ phổ biến cao và khả năng tiếp cận được lượng lớn người tiêu dùng.

Do có sức nóng và độ ảnh hưởng cao nên cuộc chiến giành bản quyền phát sóng EPL rất quyết liệt. Quá trình thương thảo diễn ra khá gay gắt, bao gồm cả việc thành lập Ban đàm phán gồm 10 nhà đài Việt Nam thống nhất với nhau không mua bản quyền EPL với giá vượt hơn 20% so với mức của 3 mùa trước (2013 – 2016), tối đa là 46 triệu USD(5). Cuối cùng, công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh VSTV (K+) tuyên bố đã chính thức sở hữu bản quyền phát sóng 380 trận đấu thuộc giải Ngoại hạng Anh (EPL) 3 mùa giải 2016-2019. Và mới gần đây, theo tờ The Times UK, ông lớn Facebook cũng đã mua được bản quyền phát sóng EPL bắt đầu từ mùa giải 2019 – 2022. Hiện tại, người sử dụng Facebook vẫn đang chờ xác nhận chính thức của ông lớn mạng xã hội về vấn đề này để có thể chắc chắn chuyện xem giải EPL trên Facebook. Cuộc chiến mua bản quyền vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi có công bố chính thức từ các bên tham gia.

Nhóm đối tượng theo dõi các trận Ngoại Hạng Anh thông qua K+ có độ tuổi trải dài từ 20-50, trong đó nam giới chiếm 70% và nữ giới chiếm 30%, khu vực thành thị chiếm 50% và khu vực tỉnh lẻ chiếm 50%.

Việc có được bản quyền phát sóng Ngoại Hạng Anh tại Việt Nam cho 3 mùa giải 2016-2019 đã mở ra cơ hội cho các thương hiệu tiếp cận và quảng bá trực tiếp đến với lượng người xem lớn của K+.

5. Bạn có biết: Có gần 11 triệu người tại Việt Nam hàng tuần hóng chờ xem giải Ngoại hạng Anh mà bạn có thể tiếp cận

Hiện tại K+ ghi nhận các thương hiệu có khả năng tiếp cận được 11 triệu người theo dõi các trận Ngoại Hạng Anh thông qua K+(6). Đây là những active subscriber, đăng ký để có thể theo dõi trọn vẹn các trận đấu yêu thích của mình. Nhóm đối tượng này có độ tuổi trải dài từ 20-50, trong đó nam giới chiếm 70% và nữ giới chiếm 30%, khu vực thành thị chiếm 50% và khu vực tỉnh lẻ chiếm 50%. Những thông tin này sẽ là trợ thủ đắc lực cho các thương hiệu để có chiến dịch sử dụng sport marketing phù hợp và hiệu quả nhất.

6. Cuối cùng, bạn có biết: Sắp diễn ra một event workshop về sport marketing

Nhìn chung sport marketing vẫn còn là một hướng đi khá mới và các thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn hơi “rụt rè” khi lựa chọn hướng đi này. Tuy nhiên, không thể phủ nhận tiềm năng cũng như mức độ hiệu quả của hình thức Sport Makerting.

Để có thể giúp các thương hiệu Việt Nam hiểu rõ về sport marketing và các hiệu quả của phương pháp này mang lại, K+ Advertising sẽ tổ chức buổi workshop kết hợp networking vào ngày 7/8/2018. Chủ đề của sự kiện lần này là “How to promote your brand/ product/ service with sport contents/ platform?”. Buổi workshop mời đến những nhân vật quan trọng từ các agency, thương hiệu và trung tâm nghiên cứu phân tích hàng đầu nhằm tạo ra một môi trường thảo luận, trao đổi thông tin, kiến thức mở đầu tiên tại Việt Nam. Hy vọng với sự kiện này, các thương hiệu và agency sẽ có cái nhìn rõ ràng về thị trường sport marketing cũng như tìm ra các hướng giải pháp cho bản thân họ trong các chiến dịch quảng bá tương lai.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here