5 điều không nên làm với khách hàng trực tuyến

0
645

Dù doanh nghiệp muốn gắn kết khách hàng qua trang web hay muốn họ thường xuyên theo dõi các hoạt động của mình trên các kênh mạng xã hội, một điều vô cùng quan trọng là phân biệt những hành vi sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực và những hành vi có tác động ngược đối với nỗ lực gắn kết khách hàng.

Khi không thể nhận rõ ranh giới giữa hai loại hành vi này, bạn sẽ vô tình đẩy khách hàng ra xa mình hơn.

Bạn có thể tăng cơ hội thành công cho những nỗ lực gắn kết khách hàng bằng việc tránh 5 điều “không nên” dưới đây trong thời đại truyền thông số:

1. Không nên coi nhẹ điều khách hàng thực sự tìm kiếm

Khi các chủ doanh nghiệp lựa chọn và duyệt các thiết kế trang web cho công ty, với tư duy sáng tạo của mình, họ đôi khi có xu hướng “bị hấp dẫn” bởi những thứ “gây sốc và kích thích trí tò mò”, hay dễ có cảm tình với những thiết kế màu sắc bắt mắt hoặc nhiều hình ảnh. Đây thực chất là một nhu cầu rất dễ hiểu của con người – nhu cầu tạo ra sự khác biệt của riêng mình so với các đối thủ, tạo ra sự đa dạng và độc đáo cho trang web của mình.

Nhưng cũng chính từ nhu cầu này, nhiều doanh nghiệp lại vô tình lờ đi giá trị căn bản của trải nghiệm khách hàng trực tuyến.

“Hãy hỏi chính mình: Khi ai đó thăm trang web của bạn, người đó tìm kiếm cái gì?” – Drew Hendricks, một trong những tác giả của Forbes viết – “Có phải họ đang tìm kiếm đường đến văn phòng của bạn? Giá sản phẩm của bạn? Hay những mẫu sản phẩm/thiết kế, dự án bạn đã làm? Nếu như khách hàng không thể dễ dàng tìm thấy thông tin họ đang cần ngay trên trang đích đến, còn được gọi là landing page, sau khi click chuột vào mẫu quảng cáo dẫn đến trang web của bạn, tất cả những thứ đồ hoạ hoa mỹ sẽ chẳng là gì, và tất nhiên, chúng sẽ không thể giúp bạn “giành” được người khách hàng tiềm năng đó”.

2. Không nên phức tạp hóa trải nghiệm của người dùng

Tương tự như trên, khi thiết kế một trang web, việc để quá nhiều chữ, hoặc sử dụng quá đà những hình ảnh màu mè trên trang đích đến, chắc chắn sẽ khiến khách hàng của bạn muốn rời xa bạn ngay lập tức.

Hãy nhớ rằng, khách hàng sẽ không “đọc” mọi thứ trên trang web của bạn. Nội dung thông điệp bạn muốn truyền tải, cùng với những hình ảnh và đồ họa hỗ trợ cần phải dễ dàng cho người dùng, giúp họ hiểu ngay khi đọc lướt, trong khi vừa cung cấp đủ thông tin và đủ tính thuyết phục.

“Trong truyền thông số, những khoảng trắng cũng có tầm quan trọng giống hệt như trong quảng cáo truyền thống” – Giám đốc marketing của Advertise.com, Jordan Bell nhấn mạnh – “Và hãy nhớ rằng, ngoài thông điệp bạn đang muốn giao tiếp với khác hàng, bạn càng đưa cho họ nhiều lựa chọn ngoài lề bao nhiêu, họ càng không quan tâm bấy nhiêu”.

Những bí kíp bỏ túi:

1. Hãy chắc chắn rằng mỗi trang trong website của bạn đều có thông điệp kêu gọi hành động, còn được biết đến là ” call-to-action”.

2. Đừng làm phiền khách hàng bằng cách yêu cầu họ đăng ký hoặc cung cấp email để có thể tiếp tục xem thông tin trên trang web của bạn. Họ sẽ sẵn lòng rời bỏ trang web của bạn thay vì tiết lộ thông tin cá nhân.

Bên cạnh trang web doanh nghiệp, các kênh truyền thông mạng xã hội chính là nơi bạn sẽ có tương tác và gắn kết nhiều nhất với các khách hàng tiềm năng. Bạn cũng cần tuân theo những “phép lịch sự tối thiểu” trong truyền thông số, để những nỗ lực gắn kết khách hàng với thương hiệu của bạn không tạo ra “hiệu ứng ngược”.

3. Không nên cố gắng tiếp cận tất cả các mạng xã hội theo phương pháp “vô ích”

Có vẻ như các khách hàng tiềm năng của bạn đều đang “ẩn nấp” đâu đó trên các mạng xã hội, nhưng việc nỗ lực có mặt trên tất cả các mạng xã hội là một cách tiếp cận ngắn hạn và sẽ không đem lại hiệu quả gì.

Thay vào đó, hãy tập trung vào các kênh mạng xã hội nơi các khách hàng tiềm năng của bạn có tần suất xuất hiện cao nhất. Nội dung hay chủ đề gì hấp dẫn họ nhất? Bạn sẽ có thể đóng góp gì vào những cuộc đối thoại này? Để thu lợi nhiều nhất từ mỗi đồng chi phí được đầu tư vào mạng xã hội, hãy tập trung nỗ lực của bạn vào những kênh này và đặt ra một lịch trình thường xuyên để đăng tải những nội dung có giá trị.

“Cập nhật thông tin chéo, đăng tải những mẩu chuyện vui, video, đưa ra các câu hỏi đố vui…sẽ có ích, nhưng bạn cần có một lịch trình đăng tải nội dung đều đặn và cần theo chặt lịch trình này” chuyên gia marketing số, Brett Relander nói. “Khách hàng của bạn sẽ dần quen với sự có mặt của bạn và sẽ biết rằng bạn đang cố gắng tương tác và duy trì mối quan hệ với họ”.

4. Không nên nuông chiều bản thân với những “lời ca ngợi”

Có thể nói, không có cách nào khiến bạn “mất điểm” trong mắt khách hàng tiềm năng nhanh hơn việc liên tục nói với họ trên các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter… rằng sản phẩm hay thương hiệu của bạn tốt đến như thế nào. Những người dùng mạng xã hội, đặc biệt nhạy cảm và rất hiểu những chiêu thức quảng cáo cá nhân, dù là bạn có giỏi che giấu như thế nào.

5. Không bao giờ, tranh cãi với khách hàng trên mạng

Các kênh mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là Facebook, chính là những nơi lý tưởng mà khách hàng thường lựa chọn để phàn nàn về những trải nghiệm của họ đối với một sản phẩm hay dịch vụ.

Thật là không dễ chịu gì khi thấy tên tuổi của mình bị bôi nhọ dù ở bất kỳ văn cảnh nào, tuy nhiên, dù bạn có cảm giác như thế nào về lời phàn nàn đó, nó có chính xác hay không, đừng bao giờ phản hồi một cách khó chịu, bực dọc hay biện hộ một cách kịch liệt cho mình.

Việc tranh cãi với khách hàng không những không dẫn đến đâu, mà còn càng đẩy họ xa bạn hơn. Họ có thể sẽ không muốn theo dõi những hoạt động của doanh nghiệp của bạn nữa, và thậm chí, không bao giờ cân nhắc mua hàng của bạn dù họ có nhu cầu.

Điều này nghe có vẻ rất ít khi xảy ra với các chủ doanh nghiệp. Nhưng chỉ cần trang Facebook của bạn được quản lý bởi một nhân viên ít kinh nghiệm hoặc chưa từng được đào tạo để xử lý những tình huống tương tự, hoặc đôi khi, một nhân viên nào đó trong công ty bạn, do không thể kiềm chế được cảm xúc, đưa ra những lời nhận xét bực mình với khách hàng ngay trên trang Facebook của công ty. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt này lại có thể khiến nỗ lực của cả đội nhóm trước đó bị đổ xuống sông xuống bể.

Thừa nhận vấn đề, nỗ lực giải quyết vấn đề đó trước mặt tất cả khách hàng, để họ ghi nhận rằng bạn đang áp dụng cách giải quyết lấy khách hàng làm trọng tâm. Mục tiêu của bạn ở đây là – với tất cả những kênh truyền thông số – tạo ra cho những khách hàng hiện tại và tiềm năng cảm giác được đối xử với sự tôn trọng và những nhu cầu của họ được đặt lên trên hết những nhu cầu của bạn.

5/5 - (1 bình chọn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here